Đền thờ anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (huyện Thường Xuân)

Thường Xuân là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm, đây là vùng đất có ý nghĩa quan trọng với xứ Thanh, với Tổ quốc Việt Nam từ thời tiền sử, nhân dân các dân tộc Thường Xuân đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tiêu biểu nhất là trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn liền với địa danh Lũng Nhai – nơi diễn ra Hội thề của 18 tướng lĩnh cùng Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỉ 15, đây còn là quê hương của Cầm Bá Thước – thủ lĩnh người Thái trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, sau này là những đóng góp, hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những sự tích về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất Thường Xuân, những tấm gương anh hùng vũ trang trong kháng chiến, các bà mẹ Việt Nam anh hùng thấm đẫm chất hùng tâm tráng khí của người miền núi đánh giặc, giữ nước, còn lưu truyền mãi trong tâm thức nhân dân.

Có thể nói, trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Thường Xuân cũng như xứ Thanh nói riêng luôn là một bộ phận giữ vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của dân tộc. Năm 1837 (năm Minh Mạng thứ 18) huyện được thành lập với tên gọi Châu Thường, do hoàn cảnh lịch sử - xã hội dẫn đến có những thay đổi về mặt hành chính - dân cư nên mỗi thời kỳ vùng đất Thường Xuân lại có tên gọi khác nhau. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi tên là huyện Thường Xuân.

Trải qua hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, hơn 80 năm chịu ách cai trị của thực dân Pháp, đời sống của đại bộ phận người dân rơi vào cảnh lầm than, nhân dân Thanh Hóa nói chung và Thường Xuân nói riêng cùng nhân dân cả nước đã phát huy truyền thống yêu nước, kháng chiến chống xâm lược giành lại độc lập tự chủ.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam; ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các chi bộ Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa cũng được thành lập. Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng, ngày 06/4/1949, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thường Xuân ra đời. Từ đây, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Thường Xuân nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành có ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng  huyện nhà trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại, là sự kết tinh giữa sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào yêu nước của nhân dân Thường Xuân anh hùng.

Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thường Xuân đã tích cực phát triển cơ sở cách mạng, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và lãnh đạo, phát động mạnh mẽ phong trào đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước trong các tầng lớp Nhân dân. Từ một chi bộ có 10 đảng viên đến nay Đảng bộ có 38 tổ chức cơ sở Đảng: gồm 24 Đảng bộ cơ sở (16 Đảng bộ xã, thị trấn và 8 đảng bộ cơ quan) và 14 chi bộ trực thuộc với 5.553 đảng viên.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân luôn giữ vững truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên. Trong suốt quá trình phát triển của huyện Thường xuân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Xuân tự hào với những mốc son quan trọng:

Trong kháng chiến chống Pháp, chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ có phần đóng góp lương thực, mồ hôi, công sức và máu xương của đồng bào các dân tộc huyện Thường Xuân. 09 năm cùng với nhân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp là 09 năm đồng bào các dân tộc huyện Thường Xuân vượt lên chính bản thân mình, chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng, chiến thắng “thù trong, giặc ngoài”, xây dựng chính quyền nhân dân, chống đói, diệt dốt, xây dựng đời sống mới, giữ vững tuyến biên giới Yên Nhân - Bát Mọt, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Sự đóng góp, hy sinh của đồng bào các dân tộc, cán bộ, đảng viên huyện Thường Xuân được, Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng cao quý.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do, để phục vụ kháng chiến, Đảng đã lãnh đạo quân và dân trong huyện tích cực lao động sán xuất với tinh thần một người làm việc bằng hai, không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu 1 người, huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, tất cả vì miền nam ruột thịt, tất cả vì độc lập tự do của tổ quốc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975), mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân đã tích cực đóng góp vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện còn khó khăn của 1 huyện miền núi nghèo có xuất phát điểm thấp; điều kiện tự nhiên không nhiều thuận lợi, với tinh thần đổi mới, sáng tạo... Đảng đã lãnh đạo quân và dân Thường Xuân đoàn kết một lòng, chủ động sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, khơi dậy các nguồn lực và đã được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực trong từng giai đoạn:

Giai đoạn (1976 - 1980) và giai đoạn (1981 - 1985), kinh tế Thường Xuân từng bước ổn định và phát triển, từng bước tự túc được lương thực, bình quân lương thực đầu người đạt 270 kg/người/năm. Những thành tựu đạt được trong giai đoạn này là cơ sở vững chắc để Thường Xuân vững bước tiến lên thực hiện sự nghiệp đổi mới sâu sắc, toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Từ ngày đất nước thực hiện công cuộc đổi mới (1986), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thường Xuân từng bước đưa sự nghiệp đổi mới đi vào cuộc sống và đã đạt được những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào như thực hiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp; tiến hành cải tiến hợp tác xã nông nghiệp, chuyển đổi từ quản lý sản xuất sang cung ứng dịch vụ, chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật... Đây thực sự là những cuộc cách mạng trong quản lý sản xuất nông nghiệp, tạo ra sự phát triển, sức sống mới cho kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Để tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thường Xuân vận hành cơ cấu kinh tế lâm - nông - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2010, bắt đầu có sự tăng tốc, bứt phá đạt 12,8%/năm. Đến năm 2010, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của huyện là: Nông - lâm - thủy sản chiếm 45%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30%, thương mại - dịch vụ chiếm 22%. Bình quân thu nhập đầu người từ 1,3 triệu đồng/năm (1996) tăng lên 6,3 triệu đồng/người (2010). Bình quân lương thực đầu người từ 265 kg/người/năm tăng lên 285 kg/người/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt, các thế mạnh về đất đai, lao động và tài nguyên khác được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Đến năm 2015, trong nền kinh tế, ngành lâm, nông nghiệp và thủy sản chiếm 38,03%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 25,8%, ngành dịch vụ chiếm 35,9%. Sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 32.890 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 360 kg/người/năm.

Giai đoạn 2015-2020, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, nêu cao quyết tâm, lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX đề ra: Kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15,7%,  cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đã có sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; Thực hiện 4 chương trình trọng tâm đạt kết quả tích cực, đã có 6 xã, 36 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt mục tiêu đại hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,23% vượt mục tiêu Nghị quyết đại hội; phát triển các loại hình, các sản phẩm du lịch, dịch vụ phong phú, đa dạng, doanh thu tăng nhanh; chương trình phát triển nguồn nhân lực đạt hiệu quả tích cực nâng cao chất lượng lao động xã hội.

Giai đoạn 2020-2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương bạn, khơi dậy khá tốt các nguồn lực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 4,41%, trong đó giá trị sản xuất (theo giá so sánh) là 3.707 tỷ đồng. trong đó: Ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 23,7%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 44,8%, thương mại và dịch vụ chiếm 31,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 31,6 triệu đồng, đạt 49,8% kế hoạch. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí  từng bước được nâng lên.  Đến nay huyện đã có 06 xã, 43 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã nông thôn mới nâng cao, 6 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 15,13%. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố vững mạnh.

Huyện Thường Xuân đang có sự tăng tốc, bứt phá toàn diện về mọi mặt

Trong những năm qua, dưới sự lãnh chỉ đạo sâu sát kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, huyện Thường Xuân đã có sự tăng tốc, bứt phá toàn diện về mọi mặt. Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên. Với đà thắng lợi trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Xuân sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn và vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo, sớm đưa Thường Xuân ra khỏi huyện nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới. Trước hết là thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025).

Để ghi nhận những thành tựu đã đạt được; Đảng và Nhà nước đã tặng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như:

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp có hơn 500 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại, các loại bằng khen, giấy khen và những danh hiệu đáng tự hào như “Chiến sĩ thi đua”, “Chiến sĩ diệt dốt”, “Chiến sĩ dân công”, “Chiến sĩ Điện Biên”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thường Xuân được vinh dự tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II, Huân chương Độc lập hạng III, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III, Huân chương Lao động hạng III; 3 người con của nhân dân các dân tộc trong huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; toàn huyện có 2.108 người được trao tặng Huân chương kháng chiến cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, cờ thi đua các loại. Nhân dân và cán bộ huyện Thường Xuân được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2007, hạng Nhì năm 2012...


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.310.101
    Trong năm: 980.977
    Trong tháng: 86.753
    Trong tuần: 21.495
    Trong ngày: 3.369
    Online: 92