Ngày 09 tháng 5 năm 2024, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023 tại huyện Thường Xuân, ông Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng tham dự có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành có liên quan, Thường trực HĐND huyện.
Trước khi làm việc với huyện, Đoàn đi khảo sát thực tế tại dự án xây mới khu nhà bộ môn (02 tầng 04 phòng) trường Trung học cơ sở Dân tộc bán trú Xuân Lẹ, công trình phòng học (02 tầng 08 phòng) Trường Trung học cơ sở Dân tộc bán trú Xuân Chinh và công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Xương, xã Xuân Thắng.
Đoàn giám sát kiểm tra trường THCS Dân tộc bán trú Xuân Lẹ
Theo báo cáo của huyện, từ năm 2021 đến năm 2023, huyện được phân bổ 88.333 triệu đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 1719), trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 49.022 triệu đồng; vốn sự nghiệp 39.231 triệu đồng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình nên cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, huy động các tầng lớp Nhân dân chung sức tham gia, tạo thành các phong trào sâu rộng, thiết thực, có hiệu quả, nên tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt 73% kế hoạch.
Đoàn giám sát kiểm tra trường THCS Dân tộc bán trú Xuân Chinh
Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra phòng học trường THCS Dân tộc bán trú Xuân Chinh
Sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện giảm xuống còn 15,13%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 40 triệu đồng/người/năm cao hơn mức bình quân chung của các huyện miền núi là 34,6 triệu đồng/người/năm; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng; giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa xã hội phát triển toàn diện; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số được nâng lên; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, phong tục tập quán lạc hậu dần xóa bỏ; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đoàn giám sát kiểm tra Công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Xương, xã Xuân Thắng
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, huyện Thường Xuân còn gặp một số khó khăn như: Văn bản hướng dẫn thực hiện của một số dự án, tiểu dự án còn chưa đầy đủ, chậm được ban hành, chưa đồng bộ. Trong khi đó, một số nội dung dự án, tiểu dự án trùng lặp tên, nội dung với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn có sự hiểu nhầm, dễ dẫn đến việc chồng lấn về đối tượng, địa bàn thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên trong đoàn giám sát, ông Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được của huyện Thường Xuân trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, khẳng định, những kết quả đạt được là có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện và sự chung tay vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân trong huyện. Đồng thuận với những kiến nghị trên tại buổi giám sát, đồng chí Mai Nhữ Thắng cũng đề nghị UBND huyện Thường Xuân tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các ngành, thành viên Đoàn giám sát để làm căn cứ, cơ sở, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Chương trình, nhất là giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các ý kiến, kiến nghị của huyện Thường Xuân Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp thu đưa vào Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023, trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh./.