“Đề nghị nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ quan tâm xem xét xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021” (Kiến nghị số 199).

“Đề nghị nghiên cứu ban hành quy định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng, chống ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng trong hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy” (Kiến nghị số 200).

“Đề nghị quan tâm, nghiên cứu xây dựng chính sách cho các thành viên của Đội Kiểm tra liên ngành theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 được hưởng phụ cấp hoặc thù lao khi thực hiện nhiệm vụ của Đội” (Kiến nghị số 201).

“Đề nghị ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập” (Kiến nghị số 202).

“Đề nghị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác cai nghiện, cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, cán bộ y tế trong cơ sở cai nghiện và cơ sở y tế cộng đồng nhằm khuyến khích cán bộ tham gia khóa đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” (Kiến nghị số 203).

“Đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ giáo trình chuẩn hướng dẫn công tác giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma tuý để thống nhất trong các cơ cở cai nghiện ma tuý” (Kiến nghị số 204).

“Đề nghị quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP" (Kiến nghị số 205).

“Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 34 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Lý do: Nghị định quy định về điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và chế độ hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện nhưng chưa quy định cụ thể một số nội dung: (1) Trình độ chuyên môn của người được phân công; (2) Bao nhiêu người nghiện ma túy thì bố trí 01 cán bộ; bao nhiêu người nghiện ma túy thì bố trí 02 cán bộ; (3) Nội dung, địa điểm, thời gian thực hiện tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện; cơ chế giám sát cán bộ cấp xã thực hiện tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng...” (Kiến nghị số 206)[1].

Ngày 05/7/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 2926/LĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

 

1. Kiến nghị số 199 và 206

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, cả nước có 36 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho người nghiện ma túy với trên 4.000 lượt người/năm, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý sau cai nghiện cho khoảng 20.000 người/năm. Người được phân công là công chức cấp xã, trưởng, phó các thôn, tổ thực hiện kiêm nhiệm; về trình độ chuyên môn hiện nay chưa quy định chi tiết đối với người được phân công nhiệm vụ này.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã chỉ đạo chính quyền phân công ít nhất 01 người/xã, thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; có địa phương chỉ phân công 01 người, có địa phương lấy số người nghiện từ 01-20 người nghiện có hồ sơ quản lý phân công 01 người, từ 20-40 người nghiện phân công 02 người, tùy vào tính chất phức tạp và số lượng người nghiện để quyết định việc phân công cho phù hợp.

Ngày 28/12/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội quy, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trong đó có nội dung thực hiện tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy. Về địa điểm và thời gian thực hiện tư vấn hiện nay chưa quy định cụ thể.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành và địa phương tiến hành sơ kết 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, các văn bản quy định chi tiết liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (trong đó có Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ); qua đánh giá sẽ tổng hợp những khó khăn vướng mắc để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và ban hành theo thẩm quyền nội dung sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Kiến nghị số 200 và 201

Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có hiệu lực từ tháng 7 năm 2003. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và Chương trình phòng, chống mại dâm các giai đoạn 05 năm²[2] đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành ban hành, đảm bảo tính thống nhất, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống mại dâm thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thi hành, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm đã bộc lộ những hạn chế, cần thiết được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm trong tình hình mới.

Trước thực trạng đó, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả 20 năm (2003-2023) thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm[3]. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá của các bộ, ngành và địa phương, trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

3. Kiến nghị số 202

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy.

4. Kiến nghị số 203 và 205

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất nội dung kiến nghị trong Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy đến năm 2030, sẽ hoàn thiện trình Chính phủ, trình Quốc hội trong thời gian tới[4].

5. Kiến nghị số 204

Thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ- CP và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang[5], Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong đó hướng dẫn chi tiết về cơ quan, tổ chức, địa điểm thực hiện “Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách” và nguyên tắc bố trí nhân sự làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng ở cấp xã. Trong thời gian tới, để thực hiện thống nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trong năm 2024./.

 


[1] Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị tại Công văn số 5996/UBND- THKH ngày 03/5/2024.

[2] Giai đoạn 2006 - 2010 (Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 08/3/2006); giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011), giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016), giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021).

[3] Quyết định số 1259/QĐ-LĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm.

[4] Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

[5] Thông báo kết luận số 411/TB-VPCP ngày 12/10/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác cai nghiện ma túy.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    405 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.803.645
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.489
    Online: 126