Ngày 24 tháng 9 năm 2024, UBND tỉnh có Báo cáo số 224/BC-UBND Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII; theo đó các nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Thanh Hóa, được trả lời như sau:

Kiến nghị 1: Cử tri thành phố Thanh Hóa phản ánh: Các hộ gia đình thuộc Tổ dân phố Tân Lập, phường Đông Thọ đang bị ảnh hưởng bởi quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc Ga từ năm 2003 đến nay, do nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư cơ sở hạ tầng; hiện nay hạ tầng xuống cấp trầm trọng; đời sống Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết cho Nhân dân; đề nghị UBND tỉnh xem xét hạn chế và không mở rộng khu công nghiệp Tây Bắc Ga

Trả lời:

Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga đang lập quy hoạch và xin ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan trên cơ sở sáp nhập KCN Đình Hương và KCN Tây Bắc Ga (bao gồm giai đoạn 1 và giai đoạn 2) theo quy hoạch hiện trạng, không có nội dung mở rộng ranh giới quy hoạch khu công nghiệp. Kết quả xin ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga đều không thống nhất với nội dung đồ án quy hoạch và việc bố trí tái định cư tại 04 vị trí do UBND thành phố Thanh Hóa đề xuất. Trên cơ sở ý kiến Nhân dân và các số liệu điều tra, khảo sát bệnh về đường hô hấp của các hộ dân, quan trắc môi trường khu dân cư nằm trong khu công nghiệp, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của phương án di dời dân cư hoặc phương án ổn định dân cư tại chỗ để đề xuất phương án lựa chọn vị trí tái định cư phù hợp.

          Kiến nghị 2: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả khu đất hơn 20.000 m2 bên cạnh di tích lịch sử nhà máy điện Hàm Rồng gần 40 năm nay, bị bỏ hoang rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

          Trả lời:

Di tích lịch sử nhà máy điện Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao quyết định là di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 776/QĐ ngày 23/6/1992 và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa[1]. Di tích lịch sử nhà máy điện Hàm Rồng nằm trong khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa với các công trình gắn liền với cảnh quan tự nhiên như: Làng cổ Đông Sơn, núi Cánh Tiên, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Trần Khát Chân, Lê Uy, chùa Tăng Phúc và các di tích lịch sử văn hóa của Hàm Rồng. 

Theo kiểm tra hiện trạng, khu vực 20.000 m2 mà cử tri có ý kiến, kiến nghị nằm trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử nhà máy điện Hàm Rồng đã được cắm mốc theo Luật bảo vệ di sản văn hóa; theo đó, khu vực này chỉ được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Do đó, việc chưa đưa khu đất nêu trên vào sử dụng là đảm bảo theo quy định của Luật di sản văn hóa.

          Kiến nghị 3: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, sớm hoàn thiện các hạng mục công trình Kỳ đài chiến thắng và các hạng mục có liên quan trong quần thể di tích lịch sử, văn hoá và du lịch Hàm Rồng, đặc biệt là Quảng trường Hàm Rồng được phê duyệt theo Quyết định 396/QĐ-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời:

Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[2]  với quy mô là 561,85 ha; trong đó, diện tích khoanh vùng bảo vệ kiến nghị rộng 211,83 ha. Để hiện thực hóa quy hoạch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 10/11/2016 về triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2025.

Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồn, Dự án Tượng đài chiến thắng Hàm Rồng nằm trong phạm vi Quy hoạch và được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện từ nguồn vốn địa phương[3]; theo đó: Dự án đã hoàn thiện tương đối phần hạ tầng kỹ thuật. Sau khi Tượng đài chiến thắng cùng các hạng mục trang trí khác hoàn thành, kết hợp với toàn bộ khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng sẽ là một điểm thu hút lượng lớn người đến tham quan. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ các hạng mục đã được đầu tư hoàn thiện xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh để đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình theo Quyết định 396/QĐ-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 10/11/2016, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.

          Kiến nghị 4: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh sớm có phương án thực hiện tiếp giai đoạn 2 dự án Đường Vành đai phía Tây thuộc dự án BOT.

Trả lời:

Theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040[4] đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường vành đai phía Tây thuộc dự án BOT theo đề nghị của cử tri có chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch là 76,0m (gồm: 6 làn xe đường chính và 4 làn xe đường gom). Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã đầu tư hoàn thành 1/2 phần nền mặt đường tuyến chính, đưa vào khai thác sử dụng năm 2018 với quy mô đường cấp III đồng bằng (Bn=12m, Bm=11m). Để từng bước đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường vành đai phía Tây (giai đoạn 2) theo quy hoạch, hiện nay UBND thành phố Thanh Hoá đang triển khai đầu tư hệ thống đường gom 02 bên tuyến đường đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến giao với Quốc lộ 47; trong đó, có 04 dự án đang triển khai thi công, tiến độ hoàn thành năm 2025 và 04 dự án đang chuẩn bị đầu tư, tiến độ hoàn thành năm 2026. Các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo an toàn, thuận thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thanh Hoá.

Kiến nghị 5: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh có phương án đền bù, hỗ trợ đối với 150 ha phần rừng đặc dụng Hàm Rồng do Nhân dân trồng mà không được khai thác

Trả lời:

Rừng đặc dụng Hàm Rồng thuộc địa giới hành chính của các phường Hàm Rồng, Đông Cương và Thiệu Dương thuộc thành phố Thanh Hoá, có tổng diện tích 183 ha hình thành trên cơ sở nhà nước khoán trồng và bảo vệ rừng hiện được giao cho Ban quản lý các khu di tích lịch sử Hàm Rồng làm chủ rừng; năm 2021, UBND thành phố Thanh Hóa đã xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2023, trong đó xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ chi phí trồng, quản lý, bảo vệ cho người dân để giao lại cho Ban quản lý khu di tích lịch sử Hàm Rồng quản lý. Việc bố trí kinh phí chi trả theo phương án nêu trên thuộc thẩm quyền, nguồn ngân sách của UBND Thành phố. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố để thực hiện hoàn thành phương án nêu trên, nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc cho các hộ dân khu rừng đặc dụng Hàm Rồng theo quy định.

Kiến nghị 6: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh sớm cụ thể hoá và đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong việc quản lý chất thải rắn; đồng thời sớm hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh phương án phát triển các khu xử lý chất thải liên huyện trên địa bàn tỉnh.

Trả lời:

- Về thống nhất quản lý chất thải rắn (CTR) trong các quy hoạch: Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, định hướng quy hoạch khu xử lý chất thải rắn liên huyện tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (xử lý chất thải rắn cho thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và vùng phụ cận). Theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040[5] (bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn), định hướng chất thải rắn sau khi thu gom vận chuyển về xử lý tập trung tại khu liên hợp xử lý của tỉnh tại xã Đông Nam trong giai đoạn đầu theo định hướng quy hoạch tỉnh; giai đoạn sau di chuyển ra khỏi vị trí này để bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, phát huy giá trị Khu di tích danh thắng Núi Hoàng Nghiêu.

Như vậy, giữa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đã có sự thống nhất đối với nội dung xử lý rác thải trong giai đoạn đầu (thời kỳ 2021- 2030) cho thành phố Thanh Hóa tại khu xử lý rác thải Đông Nam, huyện Đông Sơn.

- Về điều chỉnh phương án phát triển khu xử lý chất thải rắn liên huyện: Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, trên địa bàn tỉnh định hướng quy hoạch 03 khu xử lý chất thải rắn liên huyện gồm: (i) Khu xử lý tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; (ii) Khu xử lý tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; (iii) Khu xử lý tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. 

Hiện nay, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[6]; theo đó, dự án xây dựng khu xử lý chất thải tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân được quy hoạch là khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng và Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý chỉ đạo rà soát Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Công văn số 6657/UBND-THKH ngày 14/5/2024 (trong đó, có cập nhật khu xử lý chất thải tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân vào điều chỉnh Quy hoạch tỉnh). Ngày 29/7/2024, UBND tỉnh đã có Công văn số 10872/UBND-THKH giao các sở, ngành, địa phương triển khai các điều kiện, hồ sơ, thủ tục liên quan để thực hiện dự án như: Lập hồ sơ quy hoạch chi tiết, lập danh mục thu hồi đất, hồ sơ đề xuất chủ trương, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và triển khai đầu tư.

Kiến nghị 7: Cử tri thành phố Thanh Hóa kiến nghị: Tại Khoản 2, Điều 3, Nghị quyết 177/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về chi nghiệp vụ chuyên ngành “Thi học sinh giỏi cấp huyện” bằng “Giao lưu học sinh giỏi” cho phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục. Bổ sung đối tượng hạng trường và giao tăng định mức phân bổ kinh phí cho các huyện có trên 100 trường: Tại khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 177/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa, trong đó biên độ giao định mức phân bổ theo quy mô chưa hợp lý.

Trả lời:

- Về chi nghiệp vụ chuyên ngành “Thi học sinh giỏi cấp huyện”: Chi nghiệp vụ chuyên ngành các huyện, thị, thành phố được quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 177/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh, trong đó có quy định: Chi nghiệp vụ chuyên ngành phân bổ cho các đơn  vị,  huyện, thị, thành phố để thực hiện các hoạt động của ngành giáo dục[7]. Bên cạnh đó, định mức phân bổ chi thường xuyên cho ngân sách cấp huyện, cấp xã là phân bổ tạo nguồn lực cho các cấp ngân sách. Do đó, đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ vào đặc điểm thực tế, nguồn lực được phân bổ để xây dựng dự toán chi đảm bảo hoạt động nhiệm vụ chuyên môn và phù hợp với quy định hiện hành.

- Về bổ sung đối tượng hạng trường và giao tăng định mức phân bổ kinh phí cho các huyện có trên 100 trường: Theo kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Thanh Hóa năm 2023 - 2024[8], thành phố Thanh Hóa có 116 trường công lập, 26 trường tư thục; hiện nay, thành phố Thanh Hóa được phân bổ định mức tương ứng đối với địa phương có trên 100 trường công lập trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 177/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh, định mức chi nghiệp vụ chuyên ngành sự nghiệp giáo dục đào tạo của các huyện, thị xã, thành phố được xây dựng theo tiêu chí số trường công lập trên địa bàn. Trong giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ Kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh, nguồn lực ngân sách địa phương và tình hình thực tế; trên cơ sở đề nghị của các địa phương; ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành định mức phân bổ giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với các quy định.

Kiến nghị 8: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét ưu tiên và bổ sung chỉ tiêu chuyển mục đích đất trồng lúa cho thành phố Thanh Hóa khoảng 700 ha để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và của thành phố nhằm tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng theo quy hoạch thành phố Thanh Hoá mở rộng. Cử tri huyện Quảng Xương phản ánh, kiến nghị Chỉ tiêu phân bổ đất nông nghiệp đến năm 2030 theo Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 30/6/2023 của UBND tỉnh được phân khai giảm đất trồng lúa là 456,13ha; UBND huyện xin bổ sung giảm thêm diện tích đất trồng lúa là 757 ha. Tổng đất trồng lúa đề nghị giảm là 1213,13 ha với đủ để thực hiện các Dự án.

Trả lời:

Chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh được giảm 4.875 ha, chỉ đáp ứng được 19,5% so với nhu cầu[9]; do đó, tỉnh rất khó khăn trong việc cân đối, phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch 05 năm (2021-2025); quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh nhu cầu sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp với quy định hoặc trình Quốc hội xem xét điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 vào năm 2024. Do đó, sau khi được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, phân bổ thêm chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa nước, trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu để tạo điều kiện cho các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Về cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét ưu tiên và bổ sung chỉ tiêu chuyển mục đích đất trồng lúa cho thành phố Thanh Hóa khoảng 700 ha để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và của thành phố nhằm tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng theo quy hoạch thành phố Thanh Hoá mở rộng: Ngày 27/8/2024, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 293/TTr-BCS xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các loại đất đã được phân bổ tại Kết luận số 868-KL/TU ngày 19/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh; theo đó Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất bổ sung tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước cho thành phố Thanh Hóa 120 ha để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

 


[1] Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng chính phủ.

[2] Tại Quyết định 396/QĐ-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

[3] Theo Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 10/11/2016 của UBND tỉnh.

[4] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17/3/2023.

[5] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17/3/2023.

[6] Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024.

[7] như: bồi dưỡng giáo viên thường xuyên định kỳ, thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi cấp huyện,...và các hoạt động chuyên ngành khác

[8] được phê duyệt tại Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 22/5/2024 của UBND tỉnh.

[9] Theo đăng ký của UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 24.998 ha.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.171.994
    Trong năm: 1.345.959
    Trong tháng: 147.617
    Trong tuần: 29.434
    Trong ngày: 2.565
    Online: 78