Dưới góc độ pháp luật, chế độ bảo hiểm hưu trí là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về đối tượng, điều kiện và mức đóng, mức hưởng cho những người tham gia BHXH, khi đã hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia lao động. Là một hình thức bảo hiểm thuộc hệ thống hưu trí, chế độ bảo hiểm hưu trí dù ở bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào cũng đều thu hút sự quan tâm rất lớn của người lao động ở tất cả các nước trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thành công của bất kỳ chương trình bảo hiểm hưu trí nào là quỹ đầu tư bảo hiểm hưu trí (hay gọi tắt là quỹ hưu trí). Quỹ hưu trí được hình thành từ những khoản đóng góp của người tham gia bảo hiểm hưu trí (gồm cả người lao động và người sử dụng lao động) và thực hiện các hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ, bảo đảm chi trả quyền lợi hưu trí cho người lao động khi đến tuổi về hưu.       

Ở Việt Nam, chế độ bảo hiểm hưu trí đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, hệ quả từ những bất cập cả về chính sách và tổ chức thực thi, cùng với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh, số người hưởng ngày càng tăng lên trong khi số người đóng ngày càng giảm đi khiến Quỹ hưu trí và tử tuất ngày càng bị thâm hụt và đứng trước nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.Điều đó thể hiện ở tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2009 là 81,8%, năm 2010 là 76,3%; năm 2011 là 77,0%; năm 2012 là 68,56% và năm 2013 là 76,6% (năm 2010 và năm 2012 tỷ trọng chi so với thu có giảm xuống là do tác động của việc thực hiện quy định về điều chỉnh tăng tỷ lệ đóng góp thêm 2% ở mỗi năm).

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Nguy cơ về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất là do cơ chế đóng - hưởng bảo hiểm xã hội còn mất cân đối,mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng: tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu; từ năm 2014 trở đi tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; trong khi mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động (chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế năm 2012); tỷ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu còn chưa hợp lý (75% cho 25 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nữ và 30 năm đối với nam). Tỷ lệ tính hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%). Số lượng người nghỉ hưu sớm rất lớn, tỷ lệ giảm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi chỉ 1% là quá thấp trong khi tuổi nghỉ hưu của Việt Nam thấp so với đặc điểm nhân khẩu học. Tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính bình quân trên một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất). Số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu như năm 1996 có 217 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu. Tuổi nghỉ hưu thấp, dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn (số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm (trên thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,2 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi). Ngoài ra, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội ngày càng phổ biến. Tính đến hết năm 2014, số nợ đóng bảo hiểm xã hội khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, với cách thiết kế theo mô hình tọa thu tọa chi (pay-as-you-go) chế độ hưu trí của Việt Nam hiện nay có tỷ lệ tích lũy thuộc diện cao nhất thế giới,  số kết dư của quỹ hưu trí tử tuất lên tới hơn 200 ngàn tỷ đồng; hoạt động đầu tư quỹ được đặt trong khuôn khổ hết sức thận trọng, lãi từ đầu tư quỹ thường thấp hơn tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát.

        Tất cả những yếu tố trên cho thấy , nếu không có các giải pháp can thiệp, điều chỉnh chính sách kịp thời cũng như bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật thì nguy cơ vỡ quỹ là hiện hữu. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn, cấp bách của việc  Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) vào ngày 22/11/1014 và Luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/0/1/1016. Luật BHXH năm 2014 đã thiết lập cơ sở pháp lý để mở đường cho việc thực hiện nhiều giải pháp cải cách hướng đến mục tiêu đảm bảo tính bền vững về mặt tài chính cho quỹ cũng như việc quản lý quỹ một cách hiệu quả phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cụ thể như sau:   

        Trước hết, hiện nay, giữa mức đóng BHXH và mức hưởng là không tương đồng, tức là mức hưởng cao còn mức đóng quá thấp. Vì vậy, Luật BHXH (sửa đổi) là để kiềm chế sự đổ vỡ của quỹ trong tương lai. Dù khó khăn như thế nào, Nhà nước cũng là nhà bảo trợ, bảo lãnh cho Quỹ BHXH tồn tại, phát triển. Việc sửa đổi Luật BHXH cũng để mở rộng đối tượng, hạn chế người hưởng lương hưu một lần, tăng thêm khả năng đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng tăng cao, việc mở rộng diện bao phủ BHXH còn là giải pháp tích cực để hạn chế những người đến 80 tuổi thuộc diện Nhà nước phải bảo trợ xã hội bằng chế độ trợ cấp xã hội 180 nghìn đồng/tháng theo quy định của Luật người cao tuổi. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, để ai tham gia cũng được hưởng như mức đóng của mình, đó là biện pháp cân bằng quỹ bền vững nhất.

        Thứ hai, một trong những giải pháp được bàn đến là nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu đã không được quy định trong Luật BHXH, nhưng trong tương lai tuổi nghỉ hưu cũng sẽ được xem xét, để người lao động có cơ hội tham gia nhiều hơn thì mức hưởng lương hưu khi về già cũng cao hơn; trước mắt Chính phủ đang  hướng dẫn kéo dài tuổi làm việc cho đối tượng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động quản lý theo Điều 187 Bộ luật lao động.  Luật BHXH (sửa đổi) đã tập trung điều chỉnh các chính sách cho đối tượng tham gia, để mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu cân bằng. Về điều chỉnh mức đóng, theo quy định của Bộ luật Lao động, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải căn cứ trên mức tiền lương ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trên cơ sở tiền lương cấp bậc, chức vụ, cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương và các khoản bổ sung khác. Lâu nay, người lao động đóng theo mức lương tối thiểu hoặc đóng trên mức lương tối thiểu vùng là không đảm bảo theo quy định của pháp luật.

        Thứ ba, phải quản lý quỹ hưu trí một cách tốt nhất, hiệu quả nhất và làm sao cho quỹ này được bảo tồn và tăng trưởng để khắc phục được tác động của trượt giá, mất giá trị đồng tiền. Muốn vậy, nguồn quỹ phải được đầu tư vào công trình trọng điểm, tạo ra lợi nhuận cao hơn, lợi nhuận thu về phải cao hơn chỉ số trượt giá. Ngoài ra, để tránh tăng phụ phí lương quá nhiều do các khoản đóng bảo hiểm xã hội và để có thể trang trải chi phí cho các khoản chi trả bổ sung nếu có, Luật đã quy định nhà nước bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là áp dụng đối với việc ưu tiên những nhóm nghề nghiệp đặc biệt như lực lượng vũ trang và công chức nhà nước. Những khoản này cần được trang trải từ tiền thu thuế, chứ không để những đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác gánh chịu.

        Thứ tư, tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội phải được phát huy và tăng cường, được giao thêm một số chức năng quản lý nhà nước như thanh tra việc đóng BHXH. Về dài hạn, cần cũng cố tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ với chi phí quản lý thấp, để có thể dành phần tối đa có thể từ các khoản đóng phí phục vụ hoàn toàn của những người có quyền hưởng chế độ bảo hiểm. Tuy nhiên, trong những năm tới thì chi phí quản lý khá cao là cần thiết, cụ thể thứ nhất là để chuyển sang quản lý bằng công cụ điện tử (bao gồm cả việc đưa vào áp dụng thẻ với mã số bảo hiểm xã hội cũng như một tài khoản bảo hiểm cho mỗi người tham gia bảo hiểm xã hội, một mã số doanh nghiệp đối với từng người sử dụng lao động) và thứ hai là xây dựng một đội ngũ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật BHXH năm 2014, nhằm hạn chế việc nợ đọng, chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng trốn đóng quỹ, chiếm dụng quỹ BHXH, Quốc hội đã đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự hai tội danh là trốn đóng BHXH và  chiếm dụng quỹ BHXH.

TS. Bùi Sỹ Lợi

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội​


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
370 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 3.292.886
Trong năm: 976.568
Trong tháng: 86.929
Trong tuần: 23.601
Trong ngày: 1.176
Online: 37