Tái cơ cấu nền kinh tế là một nhiệm vụ lớn và phải có thời gian, cũng như đòi hỏi quá trình tái cơ cấu đồng bộ trong từng ngành, trong nội bộ các ngành, trong từng  lĩnh vực, trong các vùng, miền, các địa phương và phải có sự quyết tâm chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Trong đó, có thể nói vai trò của nguồn nhân lực có một ý nghĩa hết sức quan trọng, Bởi vì, nguồn nhân lực là nguồn lực mang tính chiến lược, hơn nữa trong điều kiện xã hội đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, thì các nhân tố công nghệ, vốn, nguyên vật liệu đang giảm dần vai trò của nó. Bên cạnh đó, nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nguồn nhân lực có tính năng động, sáng tạo và hoạt động trí óc của con người ngày càng trở nên quan trọng. Nguồn nhân lực là nguồn lực vô tận,  xã hội không ngừng tiến lên, doanh nghiệp ngày càng phát triển và nguồn lực con người là vô tận, nếu biết khai thác nguồn lực này đúng cách sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của con người.

Nếu đánh giá theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Quốc hội là giai đoạn khởi động bước đầu, trong 2, 3 năm thì quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua đã đem lại những kết quả nhất định.

Mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế suy cho cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh và bản chất của năng lực cạnh tranh là năng suất lao động, yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của một quốc gia. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của nước ta mới tiến hành hơn 3 năm, chúng ta chưa đủ thời gian cần thiết để đánh giá đầy đủ, khách quan về kết quả và tồn tại.

Theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bước đầu đã tác động toàn diện tới kinh tế-xã hội, tăng trưởng, tạo việc làm, giảm số lượng hộ nghèo, tăng thu nhập và đang có những điều chỉnh cần thiết. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế là đúng đắn và kịp thời. Đầu tư công đã hạn chế được dàn trải, đem lại hiệu quả tốt hơn chỉ số ICOR giảm gần 1 so với giai đoạn 2008 - 2010. Việc huy động vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, điển hình là đã huy động vốn tư nhân cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông gần 17.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhà nước được xem xét để sắp xếp cổ phần hóa nhanh hơn, đến nay cơ bản đã phê duyệt xong Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực, đúng định hướng với lộ trình cẩn trọng, tránh được nguy cơ đổ vỡ, thanh khoản tốt hơn. Đây là điểm tốt trong tái cơ cấu nền kinh tế như là một điểm sáng về tín dụng cho hộ nghèo, góp phần tăng tưởng tín dụng năm 2014.

Tuy nhiên, tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình mới trong điều kiện kinh tế đất nước còn hết sức khó khăn. Những tồn tại do tiến độ, do phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao; nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết triệt để, còn lúng túng; cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính gắn với tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu đồng bộ, chưa có đột phá mạnh mẽ… Các hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan, trong đó có nguyên nhân trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa quan tâm đến vai trò của nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ. Hai yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất quyết định tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần coi tái cơ cấu lại nguồn nhân lực vừa là khâu đột phá, vừa là nhiệm vụ song hành, đồng bộ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng “Coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động; phát triển thị trường lao động đồng bộ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ; tăng tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.” cần quan tâm một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, phân bổ hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng miền nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Hiện nay, lực lượng lao động của nước ta phân bổ chưa hợp lý giữa các vùng miền: năm 2013, đồng bằng sông Hồng chiếm 22,5%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 21,8%, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,4%, Đông Nam Bộ là 16,3%, Trung du và miền núi phía Bắc là 13,9%, trong khi Tây Nguyên là 6,1%. Nếu nhà nước không có giải pháp cơ bản để điều phối lực lượng lao động sẽ không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực để tái cơ cấu kinh tế theo các vùng và lãnh thổ. Đó còn là nguyên nhân dẫn đến di cư tự do là hậu quả của vấn đề kinh tế và xã hội phức tạp, gây khó khăn cho các địa phương, nơi mà có dân cư đến.

        Thứ hai, phải tạo một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng bộ với tái cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lao động. Theo báo cáo của Chính phủ, lao động qua đào tạo năm 2014 là 49%, trong đó lao động qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 19% là 1 thách thức của nguồn nhân lực nước ta. Trong khi, cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay còn bất hợp lý, tỷ lệ đại học trở lên là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật chỉ 0,92%, (cơ cấu hợp lý của quốc tế là 1-4-10). Theo kết quả khảo sát của một số quốc gia châu Á, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trong thang điểm 10 và xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát. Đây là nhân tố kìm hãm sự tăng năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ nghiên cứu, xem xét để tiếp tục tăng cường các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý và chất lượng đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, nhằm khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng, dẫn đến sinh viên ra trường không có việc làm, hiện nay có hơn 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học trở lên chưa tìm được việc làm trong khi quá trình đào tạo vẫn có xu hướng tràn lan, chỉ đào tạo những ngành nghề mà cơ sở đào tạo có, chưa chú ý đến đào tạo theo nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn nhằm đảm bảo nhân lực cho tái cơ cấu nông nghiệp cả trồng trọt và chăn nuôi, lâm, thủy hải sản chế biến, đặc biệt là công nghiệp dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp.

Thứ ba, cơ cấu lại năng suất lao động trong nội bộ các ngành kinh tế, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp. Nền kinh tế của chúng ta đang chủ yếu dựa vào khai thác từ tài nguyên và thâm dụng lao động, năng suất rất thấp. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp chỉ bằng 1/3 công nghiệp và bằng 1/4 dịch vụ. Đề nghị Chính phủ có giải pháp tái cơ cấu nguồn nhân lực trong các ngành và nội bộ từng ngành để tăng năng suất lao động.

       Thứ tư, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hiện nay, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của nước ta vẫn chiếm tỷ lệ cao: năm 2013: 46,9%, năm 2014: 47%. So với các nước trong khu vực, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ trong GDP năm 2013 của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 17,5% và 43,3%, trong khi đó Thái Lan là 29,1% và 50,7%; Malaysia là 23,9% và 50,1%; Indonesia là 23,7% và 39,9%; Phillipines là 20,4% và 57,6%; Trung Quốc là 37,0% và 46,1%(theo báo cáo củaNgân hàng Phát triển châu Á). Như vậy, với tốc độ dịch chuyển như hiện nay thì rất khó có khả năng đạt mục tiêu 30% lực lượng lao động nông nghiệp vào năm 2020 và có khoảng cách còn lớn so với nhiều nước trong khu vực.

        Cùng với quá trình triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đảm bảo đạt các mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, triển khai hiệu quả, đồng bộ ba đột phá chiến lược, chú trọng các yếu tố góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ khoa học, công nghệ cao đáp ứng với yêu cầu cơ cấu và chuyển dịch lao động theo nhu cầu của thị trường lao động là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 TS. Bùi Sỹ Lợi

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
370 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 3.286.053
Trong năm: 978.049
Trong tháng: 90.305
Trong tuần: 22.433
Trong ngày: 826
Online: 93