Sáng ngày 07-3, Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Toàn cảnh hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đồng chí Vũ Hải Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH, đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 18 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc, Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là lần đầu tiên hội nghị tổng kết công tác HĐND cấp tỉnh được tổ chức nhằm tăng cường sự lãnh đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Hội nghị tập trung đánh giá ưu điểm, hạn chế quá trình hoạt động của HĐND năm 2021, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Từ thực tiễn hoạt động của HĐND, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng,hiệu quả hoạt động, góp phần vào việc nâng cáo vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương.

Ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố nhưng HĐND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới rõ rệt trong tổ chức và hoạt động, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, gắn thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của tỉnh là vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng các phiên họp, kỳ họp được nâng cao, coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung chương trình kỳ họp theo hướng linh hoạt, ngắn gọn, áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức “kỳ họp, phiên họp không giấy”, giúp đại biểu HĐND có thời gian nghiên cứu. Các nội dung trình tại các kỳ họp đều được thống nhất trên cơ sở quy định của pháp luật, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Trước các kỳ họp, đều thông tin kịp thời đến cử tri, Nhân dân, đến các cơ quan thông tin đại chúng. Việc điều hành kỳ họp của chủ toạ từng bước được cải tiến, bảo đảm tính linh hoạt, chặt chẽ, dân chủ. Phương pháp điều hành kỳ họp được đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tờ trình, tăng thời gian thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, tạo sự nhất trí, phát huy dân chủ trong thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thông qua các kỳ họp đã ban hành 213 nghị quyết, trong đó có 190 Nghị quyết với cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh đề ra. Trong năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa là minh chứng rõ nét cho hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, đã góp phần không nhỏ đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tham gia tham luận tại Hội nghị với đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND cấp tỉnh”, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn đưa ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác thẩm tra, đó là: Một số báo cáo thẩm tra chưa tổ chức làm việc với cơ quan soạn thảo để giải trình, làm rõ ý kiến của thành viên Ban, chưa có ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung báo cáo; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan được giao soạn thảo với các Ban HĐND tỉnh ngay từ đầu; chưa có nhiều ý kiến phản biện, góp ý vào báo cáo thẩm tra; bộ máy giúp việc cho các Ban còn hạn chế về số lượng, chưa thực sự chuyên sâu về lĩnh vực tham mưu… Từ thực tiễn của tỉnh ta, đồng chí chia sẻ với các tỉnh bạn một số giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND cấp tỉnh:

Một là, thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, đặc biệt là đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, các Ban của HĐND tỉnh phải chủ động, tham gia ngay “từ sớm, từ xa” trong công tác thẩm tra.

Ba là, các thành viên của các Ban HĐND tỉnh phải nhiệt tình, trách nhiệm, có chuyên môn, có kiến thức thực tiễn, có kỹ năng hoạt động và dành thời gian nghiên cứu, thu thập thông tin các nội dung liên quan đến lĩnh vực thẩm tra; tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri.

Bốn là, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, xử lý linh hoạt, đề nghị quy định rõ về thẩm quyền của các Ban để vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, vừa bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp hoạt động giữa các Ban của HĐND tỉnh với UBND tỉnh, với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan trong công tác chuẩn bị nội dung trình HĐND tỉnh.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã nhấn mạnh một số phương hướng nhiệm vụ giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND; tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp; cần tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ hoạt động của HĐND; rà soát và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.329.033
    Trong năm: 984.502
    Trong tháng: 90.862
    Trong tuần: 24.436
    Trong ngày: 993
    Online: 42