Trong thời gian qua, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong toàn hệ thống và trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức lớn. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp với tham nhũng trong khu vực công còn nghiêm trọng, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; tình trạng sách nhiễu, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp…
Trong nhiều văn kiện, hội nghị của Đảng và Nhà nước ta cũng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc đấu tranh nhằm đẩy lùi, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả xấu của tệ nạn tham nhũng như: Các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng : “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên Đảng đã chỉ đạo: Trong phòng chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng nhằm đề ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng gồm: (1) công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (5) cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đến năm 2020 và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác.
Sau đây, xin đề cập đến một số nội dung về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn là một chế định mới được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật Doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức và có chỉnh lý để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Theo điều 1, chương 1 của Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về việc Ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương được hiểu là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong việc thực hiện và xử lý vi phạm. Quy tắc ứng xử cũng là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật và các quy phạm đạo đức trong các tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động công vụ.
Việc ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực trong ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện đúng quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện công khai các hoạt động nhiệm vụ, công vụ và quan hệ xã hội của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; cũng góp phần loại trừ nguyên nhân phát sinh tham nhũng trong hoạt động công vụ và là cơ sở để người dân giám sát việc thực thi công vụ của những người có chức vụ, quyền hạn.
Luật Phòng chống tham nhũng quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:
Thứ Nhất, về những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây: Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị; những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
Đây là những quy định hết sức cần thiết để ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra tham nhũng và tăng cường tính liêm chính, bảo đảm sự công tâm, khách quan của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Những quy định này thể hiện sự coi trọng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là công tác cán bộ, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, học dân, lắng nghe dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng", kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó "xây" là cơ bản, chiến lược, “chống” là quan trọng, cấp bách.
Thứ Hai, về tặng quà và nhận quà tặng. Điều Luật phòng, chống tham nhũng quy định: (1) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật; (2) cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Từ thực tiễn cho thấy hành vi tham nhũng chủ yếu do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, diễn ra trong nội bộ, nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống, đẩy lùi nó là phải tự “chiến đấu” với chính mình. Theo đó, mỗi người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương liên quan đến lợi ích, tiền của, vật chất, địa vị, quyền lực xã hội phải tự đấu tranh, chiến thắng chính bản thân mình, không để bản năng, nhu cầu được “ý thức hóa” trái với tiến bộ xã hội. Mỗi người, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị, những cán bộ, nhân viên trực tiếp, gián tiếp đảm nhiệm những công việc dễ nảy sinh tham nhũng cần có bản lĩnh thực sự, “miễn dịch” tốt với sự “tha hóa”; thường xuyên, liên tục tự soi, tự sửa hằng ngày, thông qua hành động, việc làm cụ thể; phải thực sự gương mẫu, trui rèn, tự đấu tranh không khoan nhượng với những cám dỗ tiền của, vật chất, quyền lực; rèn luyện lối sống lành mạnh, trong sạch, giữ vững và phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng mọi lúc, mọi nơi.
Thứ Ba, về kiểm soát xung đột lợi ích. Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Xung đột lợi ích có nhiều tình huống với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khi có tình huống dẫn đến xung đột lợi ích, nếu xét thấy tiếp tục để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể dẫn đến tham nhũng hoặc việc giải quyết công việc thiếu khách quan thì cần phải có biện pháp kiểm soát tình huống đó. Chính vì vậy, Điều 23 Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy định:
“1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
3. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây:
a) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;
b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;
c) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.”
Việc quy định xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật phòng, chống tham nhũng khẳng định kiểm soát xung đột lợi ích là công cụ quan trọng nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích, thống nhất về cơ chế kiểm soát, thống nhất các biện pháp áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và quản lý xung đột lợi ích./.