​Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng và văn hiến của dân tộc, bằng đại nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương sâu sắc, biết bao thế hệ người Việt Nam ta đã bản lĩnh, trí tuệ, không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua cam go, thử thách, thiên tai, địch họa, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, phấn đấu vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

Ra đời trong máu lửa của cao trào cách mạng 1939-1945, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám “long trời, lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Nhà nước công, nông đầu tiên ở Đông Nam Á; từ mốc son chói lọi của Quốc dân Đại hội Tân Trào và trải qua 13 khóa Quốc hội, Quốc hội nước ta thực sự trở thành hiện thân của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh hoa văn hoá Việt Nam, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Đồng hành cùng với sự lớn mạnh của đất nước, mỗi nhiệm kỳ đều đánh dấu sự trưởng thành, tiến bộ không ngừng của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ quan trọng trong thực hiện cả ba chức năng cơ bản: lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Thành công của Quốc hội khoá XIII là tiền đề quan trọng và là bài học kinh nghiệm quý báu để Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới và phát triển theo hướng trách nhiệm, hiệu quả.

Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; văn hoá - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết hiệu quả. Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới… Những hạn chế, khuyết điểm trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực, phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn, đoàn kết đồng lòng để đưa nước ta vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định là phải hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo đó cần“Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước”[1].

Quốc hội khoá XIV có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước Tổ quốc, trước nhân dân. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV - kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, mở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Cùng với việc ghi nhận những thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, đồng chí Tổng Bí thư đã phát biểu chỉ đạo 5 định hướng lớn đối với Quốc hội khoá XIV, với các nội dung chính như sau:

Một là, Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Thông qua giám sát kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Ba là, Đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi, tư tưởng của đông đảo nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước; bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.  

Bốn là, Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Năm là, Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cá nhân từng đại biểu Quốc hội.

Năm định hướng trên cũng chính là phương châm hành động để Quốc hội khóa XIV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước.

Là Đoàn đại biểu có số lượng đại biểu Quốc hội thuộc nhóm 3 đoàn đông nhất cả nước, Đoàn đại biểu Quốc hội và các thế hệ đại biểu Quốc hội Thanh Hóa luôn nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, gắn bó máu thịt với nhân dân, động viên nhân dân và cùng với nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Bằng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, nhiều đại biểu Quốc hội đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của đất nước, của quê hương, hoàn thành xuất sắc trọng trách người đại biểu nhân dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá có 14 đại biểu Quốc hội, trong đó có 6 đại biểu công tác ở các cơ quan Trung ương, 8 đại biểu công tác trong tỉnh. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV, Đoàn vinh dự có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, tiếp tục được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu và phê chuẩn làm thành viên Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các đại biểu Quốc hội: Cao Thị Xuân, Bùi Sỹ Lợi, Phạm Trí Thức, Nguyễn Hữu Quang được phê chuẩn là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội; 7 đại biểu công tác trong tỉnh được phê chuẩn là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Kết quả trên là rất phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Để góp phần cùng với Quốc hội thực hiện được mục tiêu đổi mới theo hướng trách nhiệm, hiệu quả, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá và từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nhất trí, sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; tham gia các hoạt động lập hiến và lập pháp; quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại Quốc hội. Trong đó, tập trung hướng vào thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá xác định tham giacông tác xây dựng luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong toàn bộ hoạt động của Đoàn, để góp phần cùng với Quốc hội thể chế hoáđường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để tham gia công tác xây dựng luật có chất lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá và từng đại biểu Quốc hội sẽ liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những vấn đề bức xúc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra cần phải giải quyết; kịp thời báo cáo, phản ánh với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đồng thời, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản luật, bảo đảm quy định cụ thể, chi tiết, tính khả thi cao, triển khai áp dụng nhanh vào cuộc sống.

Thứ hai, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cùng với Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại... bảo đảm sát yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Thứ ba, không ngừng cải tiến nội dung, phương thức hoạt động giám sát; tăng cường giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đời sống, những vấn đề cử tri quan tâm. Nâng cao chất lượng các kiến nghị sau giám sát và thực hiện giám sát lại vấn đề đã kiến nghị. Thông qua giám sát yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân và giám sát việc cơ quan Nhà nước giải quyết các kiến nghị của cử tri. Phát huy dân chủ, tích cực tham gia các hoạt động đối thoại trong thảo luận, chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri tại cơ sở, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành, lĩnh vực. Duy trì thường xuyên các buổi làm việc định kỳ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND, UBND tỉnh để giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. 

Thứ năm, chủ động, sáng tạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, điều kiện công tác của các đại biểu Quốc hội; phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực, sở trường của từng đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu của mình, thực sự là những cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu, những công dân ưu tú, góp phần xây đắp nên hình ảnh tốt đẹp về người đại biểu Quốc hội hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được Đảng tin yêu, nhân dân mến phục. 

Tiếp nối và phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm quý báu mà nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội Thanh Hoá đã dày công vun đắp, tin tưởng chắc chắc rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá khoá XIV sẽ vững vàng tiến vào nhiệm kỳ mới, hoàn thành xuất sắc trọng trách nặng nề và cao cả - Người đại biểu nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển lớn mạnh của Quốc hội, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

​Đỗ Trọng Hưng,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 177.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.268.467
    Trong năm: 976.278
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 367
    Online: 35