Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước coi vấn đề giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu vừa là động lực để phát triển con người Việt Nam: không ai tụt hậu và hướng tới tầm cao mới. Quán triệt quan điểm đó, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,3% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. Nhìn lại 20 năm qua, nước ta đã có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là một thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002 (sớm hơn 13 năm so với mục tiêu và sớm hơn 8 năm so với kết quả chung của toàn cầu), kết quả này đã tạo nền tảng quan trọng cho quá trình tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều.

1. Thành tựu nổi bật của giảm nghèo bền vững năm 2015

          Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở tất cả các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 4-4,3%, một số địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn của giai đoạn 2011-2015. Về cơ bản, mục tiêu giảm nghèo năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015 đạt kế hoạch đề ra. Điểm nỗi bật là cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể với hàng vạn công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã có nhiều thay đổi căn bản. Quan trọng hơn, các chính sách đúng đắn và kịp thời cùng nỗ lực kiên trì xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, giúp một bộ phận không nhỏ người nghèo thoát ra khỏi tình trạng nghèo cùng cực. Đồng thời, sự nghiệp giảm nghèo của Việt Nam đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, của toàn xã hội với nhiều hình thức rất phong phú, từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau; đặc biệt, tranh thủ được sự giúp đỡ từ các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cả về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm.

Về cơ bản, quan điểm của Đảng đối với chính sách giảm nghèo đã có những bước thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ giải quyết nghèo trên diện rộng, phạm vi cả nước với các chính sách đa chiều chuyển sang quan điểm tập trung giải quyết nghèo cục bộ, nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, lồng ghép được các chính sách, hướng đến xây dựng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao chất lượng giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững. Hầu hết các chính sách giảm nghèo được ban hành bằng văn bản dưới luật, thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách từng thời kỳ. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam luôn được khẳng định là thành tựu hiện hữu từ nhiều phương diện đánh giá khác nhau. Mặc dù trong bối cảnh nguồn lực có hạn nhưng nước ta đã triển khai toàn diện nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hướng đến 3 mục tiêu trọng tâm: thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo (y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, nước sinh hoạt); thứ hai,  tạo việc làm và thu nhập thông qua các chính sách bảo đảm đất sản xuất, ưu đãi tín dụng, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững năm 2015, không thể không nhắc đến Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó vì đã hoàn thành cơ bản (91,9%) chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 6,5% giao đầu năm và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bổ sung 3,5%).

Ngoài ra, NHCSXH đã thực hiện tốt công tác thu nợ đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Doanh số thu nợ năm 2015 đạt hơn 33.500 tỷ đồng. Cùng với 10.664 tỷ đồng tăng trưởng tín dụng so với 31/12/2014 đã tạo nguồn vốn cho vay mới đạt hơn 44.000 tỷ đồng để mở rộng cho vay đáp ứng được chính sách mở rộng đối tượng cho vay của Chính phủ; đồng thời đã đáp ứng được một phần nhu cầu nâng mức vay vốn để người vay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn cho vay đạt trên 44 ngàn tỷ đồng, NHCSXH đã cho vay tới hơn 2 triệu lượt khách hàng, đưa tổng dư nợ của NHCSXH đến cuối 2015 đạt hơn 140 ngàn tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách đã tạo được gần 150 ngàn việc làm mới, xây dựng được hơn 1.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, có trên 42 ngàn học sinh, sinh viên được vay mới, giúp trên 5.000 hộ dân được vay vốn để làm mới và sửa chữa nhà ở, có gần 1.600 người vay vốn đi lao động ở nước ngoài và gần 2 triệu người được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2015 là năm NHCSXH có điều kiện về nguồn vốn để tập trung mở rộng cho vay đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Doanh số cho vay đối với chương trình hộ cận nghèo đạt gần 13.000 tỷ đồng, với hơn 500 ngàn hộ được vay vốn từ đầu năm, đưa dư nợ chương trình đạt hơn 27 ngàn tỷ, tăng trên 10 ngàn tỷ đồng so với 31/12/2014. Đặc biệt, chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ mới triển khai được gần 3 tháng nhưng được chính quyền các cấp và nhân dân đồng tình ủng hộ nên đến nay dư nợ đạt gần 3 ngàn tỷ đồng với hơn 70 ngàn hộ được vay vốn.

Năm 2015 cũng là năm mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo được nâng từ 30 triệu lên 50 triệu đồng/hộ vay; đồng thời cũng là năm nhiều lãi suất cho vay của NHCSXH giảm, do đó NHCSXH đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững và hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đạt được kết quả trên là do NHCSXH tiếp tục thực hiện công tác nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách và chất lượng hoạt động giao dịch xã. Nợ quá hạn được kìm chế và có chiều hướng giảm. Chất lượng tín dụng đã tương đối đồng đều hơn giữa các vùng miền, giữa các chi nhánh NHCSXH. Nợ quá hạn của NHCSXH đến cuối năm 2015 là 562 tỷ đồng, chiếm 0,40% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ khoanh thì tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,84% tổng dư nợ. 

Ngoài ra, sự phối hợp giữa NHCSXH và 4 Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp ngày càng chặt chẽ để có những chỉ đạo kịp thời về công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng tại các địa phương. Sự phối hợp có hiệu quả giữa các Ban chỉ đạo của Đảng tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và NHCSXH trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đã tạo sự chuyển biến lớn đối với những đơn vị chất lượng tín dụng còn chưa cao.

Chủ trương của Chính phủ cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện đã góp phần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý tín dụng chính sách từ trung ương đến cơ sở; giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế tại địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã, xây dựng chính quyền cơ sở và hệ thống chính trị vững mạnh.

2. Thách thức và nguyên nhân của đói nghèo

          Hiện nay, cả nước vẫn còn 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; 13 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 5% đến dưới 10%; 12 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 15%; 03 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 15 đến dưới 20%; 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 25% và 01 tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 25%. Nhưng, nếu chuẩn nghèo được tính đúng, tính đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân theo phương pháp nghèo đa chiều thì tỷ lệ nghèo của cả nước có thể lên đến 12% và số hộ cận nghèo khoảng 6%.

          Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, luôn tồn tại một bộ phận người có thu nhập thấp hơn mức trung bình của dân cư đó chính là người nghèo, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để bảo đảm ổn định cuộc sống cho họ và hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền trong cả nước.

          Tình trạng nghèo đói ở nước ta xuất hiện từ lâu và ở mức cao trong nhiều thập kỷ là do những nguyên nhân khách quan đó là điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không thuận lợi ở một số vùng miền, địa phương như địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; kinh tế - xã hội chậm phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước; đất nước ta lại trải qua chiến tranh kéo dài, do vậy không có đủ nguồn nhân lực, vật lực để giải quyết vấn đề nghèo đói một cách triệt để.

          Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan là các chính sách đầu tư phát triển đã hướng vào trợ giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhưng chưa đủ mạnh và đồng bộ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Khi hình thành chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo còn phân tán, chưa đồng bộ; cơ chế thực hiện chưa phù hợp với đặc thù vùng miền và đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân.

          Một thời gian khá dài thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo, nhưng chúng ta lại chưa có giải pháp tập trung và ưu tiên nguồn lực vào giải quyết vấn đề sinh kế ổn định và bền vững cho người nghèo, nhất là người nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo. Việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với thành quả mà nó mang lại.

          Nghèo đói ở nước ta còn có nguyên nhân chủ quan từ một bộ phận người nghèo và chính quyền địa phương, cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo, chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng.

          Nguy cơ tái nghèo có thể tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, dịch bệnh; biến động giá cả, lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế; tác động của hội nhập và phát triển kinh tế thị trường; cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ, biến động về đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng không đồng đều.

          Khoảng cách chênh lệch về thu nhập có xu hướng gia tăng: Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo này sẽ làm cho tình trạng nghèo tương đối rất lớn (chênh lệch về thu nhập giữa 20% nhóm giàu và 20% nhóm nghèo từ 4,3 lần năm 1993 lên 9,2 lần năm 2010, lên khoảng 9,4-9,5 lần năm 2012) và trở nên khó khăn hơn. Độ sâu của nghèo đói sẽ cao hơn, do sự tụt hậu tương đối về thu nhập bình quân và mức sống của nhóm nghèo so với nhóm không nghèo.

3. Mục tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

          Tiếp tục thực hiện có chất lượng mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết với cộng đồng quốc tế; là cơ sở để các tổ chức Quốc tế xem xét tiếp tục xây dựng kế hoạch hợp tác dựa trên cơ sở định hướng giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn tới. Quốc hội đã có Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo. Góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

          1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo. Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo. Hoàn thiện đường giao thông từ huyện đến trụ sở Ủy ban nhân dân các xã và hệ thống giao thông trên địa bàn xã; các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã gồm trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xã, thôn, bản, ấp; các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế, giáo dục, cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo. Đầu tư trung tâm dịch vụ tổng hợp về nông, lâm, ngư nghiệp, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng cơ sở các huyện nghèo.

          2. Hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

  3. Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhằm nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số và người lao động cư trú dài hạn tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, các huyện hưởng cơ chế hỗ trợ như các huyện 30a tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ người lao động tham gia học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, Visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

          4. Tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống thông tin - truyền thông cơ sở, đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, khoa học kỹ thuật được đưa đến phục vụ người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

  5. Thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa NHCSXH và Hội, đoàn thể các cấp trong công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổ chức tốt công tác huy động vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn tăng trưởng tín dụng hàng năm là 10% theo Chiến lược hoạt động của NHCSXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

          6. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Nâng cao năng lực giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên toàn quốc.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.178.484
Trong năm: 1.347.572
Trong tháng: 142.733
Trong tuần: 30.761
Trong ngày: 95
Online: 66