Đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất, những thông tin tóm tắt các nội dung chính của Hiệp định đã được công bố. Trong Hiệp định này, có một chương nói về Lao động là nội dung hoàn toàn mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều đối tác đàm phán TPP. Bởi vấn đề lao động là vấn đề phi thương mại, hầu như chưa từng xuất hiện trong các đàm phán thương mại trước đây (bao gồm cả Tổ chức Thương mại thế giới - WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ trước). Đàm phán về lao động trong TPP chủ yếu tập trung vào các cam kết liên quan tới các quyền lao động cơ bản (hầu hết đã có trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO) nhưng lại đặt ra những thách thức lớn cho hầu hết các nước tham gia đàm phán TPP (nhiều nước trong số này chưa phải thành viên các Công ước liên quan của ILO).
Trong đàm phán về lao động để gia nhập TPP, có một
số nội dung được cho là khá khó khăn với Việt Nam. Đó là các nguyên tắc về điều kiện lao động. Là nền kinh tế đang phát
triển ở mức độ thấp, việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các
điều kiện lao động ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong
TPP là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ
đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Về
thực thi, theo cách tiếp cận chung trong TPP, việc chấp nhận các cam kết về
lao động không chỉ đơn thuần bao gồm việc điều chỉnh pháp luật nội địa cho phù
hợp mà còn phải bảo đảm việc thực thi nghiêm túc trong thực tế với các biện pháp
trừng phạt khi không bảo đảm thực thi. Trong khi đó, ở Việt Nam luôn có một
khoảng cách nhất định giữa pháp luật và thực tiễn, đặc biệt trong vấn đề lao
động.
Mặc dù vậy, Việt Nam
cũng có những lợi thế nhất định: Việt Nam tham gia nhiều Công ước quan trọng
của ILO, trong đó có những Công ước hàm chứa các nguyên tắc trong Chương lao
động được đàm phán trong TPP. Do đó, một phần trong số những cam kết về lao
động trong TPP cũng đồng thời là nghĩa vụ của Việt Nam trong ILO. Việt Nam vừa qua đã
tiến hành những sửa đổi tổng thể pháp luật gốc về lao động theo tinh thần của
Hiến pháp năm 2013, trong đó đáng kể là hai văn bản Bộ luật Lao động và Luật
Công đoàn. Những thảo luận, trao đổi theo xu hướng mới, kết hợp những yếu tố
tiến bộ trong pháp luật và chính sách về lao động, thậm chí cả các định hướng
trong các đàm phán FTA liên quan tới lao động như TPP được nghiên cứu đưa vào
các văn bản này. Đối với một số vấn đề lao động (đặc biệt là các tiêu chuẩn
trong sản xuất, sử dụng lao động trẻ em/cưỡng bức, điều kiện lao động), trên
thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam
đang sản xuất hàng xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài, từ lâu đã phải đáp ứng
các điều kiện lao động này. Nói cách khác, nếu đây là những điều kiện mới trong
TPP thì doanh nghiệp Việt Nam
vẫn có thể tuân thủ được.
Tuy nhiên, tất cả những
thách thức về vấn đề an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao
động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế
tài đặt ra trong Hiệp định này sẽ tạo ra không ít thách thức đối với doanh
nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu, vì nếu vi phạm, có thể bị
điều tra, bị kiện và bị phạt. Vấn đề ở đây là “không sử dụng tiêu chuẩn lao động làm rào cản thương mại, nhưng cũng
không được hạ thấp tiêu chuẩn lao động để giành được lợi thế cạnh tranh trong
thương mại”. Việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các FTA thế hệ mới bao
hàm các thách thức và cơ hội.
Chất lượng nhân lực Việt Nam mới đạt 3,79 điểm trên
thang điểm 10 là một thách thức
Việt Nam
được thế giới đánh giá là có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số
vàng”. Tuy nhiên, nguồn
nhân lực Việt Nam
khá dồi dào, nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.
Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí
thức,… chưa tốt. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với
yêu cầu phát triển và hội nhập, có khoảng cách khá lớn so với các nước trong
khu vực.
Theo kết
quả khảo sát của một số quốc gia châu Á, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ
đạt 3,79 điểm trong thang điểm 10 và xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát. Trình
độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam
cũng chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế,
yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp là do
công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Hệ thống
chỉ tiêu về thị trường lao động chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất và khó so
sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động.
Ngoài ra, còn thiếu nhân lực và mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và
nhất quán.
Thế
mạnh và hạn chế của lực lượng lao động khi TPP được chính thức ký kết và thực
thi
Dân
số Việt Nam đã đạt con số trên 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ
8 ở châu Á. Cùng với xu hướng giảm sinh và nâng cao tuổi thọ, tỷ lệ dân số
trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) tăng lên, hiện chiếm 69% dân số. Cơ cấu dân
số này thực sự là cơ hội để Việt Nam sử dụng nguồn lao động dồi dào
cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng lại là thách thức lớn khi TPP được
thực thi vì hiện còn khoảng 70% số lao động chưa được đào tạo nghề. Khoảng 70%
dân số ở nông thôn, trong khi nông dân hiện nay mới sử dụng 40% số thời gian
cho sản xuất nông nghiệp, 60% số thời gian còn lại là nông nhàn. Thu nhập thấp,
thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa
nhanh, chi phí an sinh xã hội lớn cũng là những thách thức đặt ra với Việt Nam.
Nhà nước, các
doanh nghiệp và bản thân người lao động của nước ta cần làm gì để có một lực lượng
lao động đủ khả năng hưởng lợi khi TPP có hiệu lực
Chất
lượng nguồn nhân lực thấp luôn là nhân tố kìm hãm sự tăng năng suất lao động.
Vì vậy, Nhà nước phải tạo một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, đồng bộ với tái cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm cân đối
cung - cầu lao động, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng. Đồng
thời, phải tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn
nhằm bảo đảm nhân lực cho tái cơ cấu nông nghiệp cả trồng trọt và chăn nuôi,
lâm, thủy hải sản chế biến, đặc biệt là công nghiệp dịch vụ phục vụ cho nông
nghiệp. Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh
nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Doanh nghiệp trực tiếp
tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác
định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của
người học nghề… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ sở dạy
nghề về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; phản hồi cho cơ sở dạy
nghề về trình độ của người lao động. Các cơ sở dạy nghề tổ chức theo dõi, thu
thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận
các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của
doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng việc làm và bảo đảm
việc làm bền vững, trên cơ sở bảo đảm: An toàn và sức khỏe nơi làm việc, nhằm bảo
vệ chống lại tai nạn và bệnh tật nơi làm việc thông qua các quy định cụ thể;
Thu nhập và phúc lợi từ việc làm; Giờ làm việc và cân bằng công việc và cuộc sống;
An sinh việc làm: chống sa thải tùy tiện và bảo vệ sự bền vững của việc làm
trong nền kinh tế thị trường; Đối thoại xã hội; Đào tạo và phát triển kỹ năng;
Mối quan hệ nơi làm việc và động lực làm việc.
Đối với doanh nghiệp, phải nhanh
chóng đổi mới công nghệ, vốn đang rất lạc hậu. Bây giờ thuế có về 0% mà hàng
hóa kém chất lượng cũng rất khó cạnh tranh. Vậy thì, doanh nghiệp phải quan tâm
đầu tư cho khoa công nghệ, nghiên cứu về thị trường và đối thủ (trình độ, sản
phẩm, giá cả, thị phần…), chuẩn bị cả nguồn nhân lực. Những việc này cần làm khẩn
trương để chuẩn bị điều kiện tham gia TPP. Nếu chậm, chắc chắn không thể cạnh
tranh được.
Đối với người lao động, cần ý thức được
rằng phải nâng cao tay nghề của chính mình, tác phong làm việc phải chuyên nghiệp
hơn nữa để góp phần tạo năng suất chất lượng cao cho doanh nghiệp để có thể cạnh
tranh với các nước.
Box
1:
Việt Nam tham gia TPP là cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là các
doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn với công nghệ cao hơn, tăng cường đơn hàng xuất
khẩu, tạo điều kiện việc làm có chất lượng cao hơn, bảo đảm cuộc sống tốt hơn
cho người lao động. Thêm vào đó, hàm lượng chất xám trong lao động cũng sẽ cao
hơn. Đây cũng là động lực để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nguồn nhân lực
của đất nước. Hiện nay, muốn đào tạo lao động chất lượng cao cũng không thu hút
được, vì đào tạo xong không có nơi để làm việc.
Box 2:
Theo báo cáo của Chính phủ,
lao động qua đào tạo năm 2014 là 49%, năm 2015 là 51,6%, trong đó lao động qua
đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ tương ứng đạt 18% và 20%. Đây là một
thách thức của nguồn
nhân lực nước
ta. Cơ
cấu nguồn nhân lực hiện nay còn bất hợp lý, tỷ lệ đại học trở lên là 1, trung
học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật chỉ 0,92%, (cơ cấu hợp lý của
quốc tế là 1-4-10).
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội