Theo Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc
hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2016 điểm 4, Điều 43 quy định “Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở làm việc,
văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt
động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương…”. Như
vậy theo quy định của Luật này thì từ nay ở các địa phương tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có một cơ quan mới sẽ được thành lập đó là “Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội”. Lần theo các mốc thời gian từ ngày lập nước thì cho thấy đến
đầu năm 1990 bắt đầu hình thành bộ phận giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội. Năm
2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 416/NQ-UBTVQH11 ngày
25/9/2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội, theo Nghị quyết này thì văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có từ 5-8 cán bộ công chức tùy thuộc vào số lượng đại biểu Quốc
hội và có thể sử dụng thêm hợp đồng lao động; kinh phí hoạt động nằm trong kinh
phí của Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội cấp. Đến
năm 2007, theo Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
thì nhập lại thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh cho đến ngày nay. Mô hình văn phòng
chung có những mặt tích cực đã được khẳng định, tuy nhiên những tồn tại hạn chế
là rất lớn, rõ nét nhất là không đảm bảo tính thống nhất, tính chủ động, tính
chủ thể, tính pháp chế… không rõ ràng về nguyên tắc hoạt động và tổ chức bộ máy
và quan trọng hơn là với cách thức tổ chức của văn phòng như hiện nay thì Đoàn đại
biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội mặc dù chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn… thì ngày càng lớn, ngày càng quan trọng nhưng không có đủ điều kiện
đảm bảo để triển khai thực hiện trong cuộc sống… Theo quy định hiện hành thì
văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân do địa phương quyết định
cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế (sau khi thảo luận với Đoàn đại
biểu Quốc hội) trong đó có phòng Công tác đại biểu Quốc hội phục vụ đại biểu Quốc hội, phòng Công tác Hội đồng nhân dân phục
vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và một phòng “dùng chung” là phòng Tổ chức –
hành chính – quản trị. Tổ chức bộ máy kiểu này Đoàn đại biểu Quốc hội cũng khó, Thường trực Hội đồng nhân dân cũng không chủ động và
đặc biệt là cơ quan văn phòng rất khó làm việc khi phải chịu sự lãnh đạo, chỉ
đạo, quản lý của 2 thủ trưởng… vì thế việc Quốc hội quyết định thành lập văn
phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là một quyết định hoàn toàn
đúng đắn, khắc phục được tất cả các tồn tại hạn chế hiện nay. Vấn đề còn lại là
tổ chức bộ máy và hoạt động của văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào để thỏa mãn tất cả các yêu cầu của
Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay mà thôi.
Vấn
đề thứ nhất: Bàn về vị trí và mối quan hệ của văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thì cần nghiên cứu chức năng,
nhiệm vụ cơ bản hoạt động của cơ quan này. Trước hết chúng ta thấy ở điểm 4,
điều 43 quy định xác lập cơ quan văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, còn ở điểm 2, điều 43 về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại
biểu Quốc hội tiết đ quy định “quản lý, chỉ đạo hoạt động của văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội”. “quản lý” thường được hiểu là: điều khiển những người khác, chủ
thể khác hoạt động vì mục tiêu của mình. Xét về các yếu tố cấu thành nên hoạt
động quản lý thì:
- Chủ thể quản lý
văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là Đoàn đại
biểu Quốc hội.
- Khách thể quản lý
là quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế, chương trình, nội dung công tác và cơ
sở vật chất, kinh phí đảm bảo.
- Mục đích quản lý là
quản lý vì đảm bảo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Còn “chỉ đạo” theo
nghĩa của từ này thì đó là việc Đoàn đại biểu Quốc hội hướng dẫn văn phòng Đoàn
đại biểu Quốc hội theo đường hướng, chủ trương nhất định để đảm bảo thực hiện
các mục tiêu đã xác định…cũng căn cứ vào luật tổ chức Quốc hội và phân tích ở
trên thì:
1- Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, chủ động đề xuất các chương trình nội dung
công việc hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các giải
pháp thực hiện kế hoạch như: Tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư, xây dựng pháp
luật, giám sát… các kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, phối hợp hoạt động cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội và cấp ủy chính quyền địa phương… theo quy định của pháp
luật.
2- Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội là cơ quan giúp việc theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội,
lãnh đạo Đoàn và đại biểu Quốc hội. Trong đó đáng chú ý là thực hiện các tác
nghiệp về nghiệp vụ, các hành vi hành chính của lãnh đạo văn phòng và cán bộ
công chức để triển khai hoạt động cụ thể, đưa các nội dung, chương trình, kế
hoạch công tác vào cuộc sống trong từng thời gian cụ thể, đối tượng cụ thể, yêu
cầu cụ thể và nhằm đạt cho được các kết quả cụ thể. Ví dụ: Để thực hiện một kế
hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội phải qua hàng loạt các quy
trình và tác nghiệp đúng luật như: ban hành văn bản, thông tin tuyên truyền,
phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức trên thực địa vv… thì văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội phải giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện cho được hàng loạt
các công việc ấy
3- Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội làm nhiệm vụ phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội
trong đó đáng chú ý là các nội dung phục vụ căn bản đảm bảo hoạt động về chuyên
môn, nghiệp vụ, đảm bảo về cơ sở vật chất, về thông tin, về đối ngoại và chính
sách chế độ cho hoạt động, làm việc, công tác của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn
và các đại biểu Quốc hội.
4- Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội là cơ quan hành chính có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quản
lý cán bộ, công chức; quản lý tài chính, tài sản theo nhiệm vụ được giao và quy
định của pháp luật.
Như vậy: Văn phòng
Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc
hội ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật, chịu sự lãnh đạo,
quản lý toàn diện của Đoàn đại biểu Quốc hội mà trực tiếp và thường xuyên là
lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm thực hiện các chức năng tham mưu, giúp
việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Vấn đề thứ hai: Văn phòng
Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, điều
đó khẳng định vị trí và là mối quan hệ bao trùm hàng đầu và là trung tâm quan
trọng nhất. Nhưng văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ quan hành chính vì
thế cũng như các cơ quan hành chính nhà nước khác luôn đòi hỏi cần có sự quản
lý nhà nước một cách thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ trên phạm vi cả nước,
luôn đòi hỏi những chuẩn mực về tổ chức bộ máy, biên chế, về đào tạo bồi dưỡng
cán bộ công chức làm công tác văn phòng. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là
đơn vị có chức năng quản lý kinh tế, tài chính, tài sản theo quy định của pháp
luật… vì vậy văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cần thiết được xắp xếp trong hệ
thống Văn phòng Quốc hội nói chung và Văn phòng Quốc hội là cơ quan cấp trên
của văn phòng các Đoàn đại biểu Quốc hội theo ngành dọc. Hàng năm trên cơ sở
các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội giao
các chỉ tiêu biên chế, giao dự toán ngân sách, các điều kiện đảm bảo… cho các
văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và thực hiện thanh tra, kiểm tra, nghiệm thu,
thanh quyết toán. Văn phòng Quốc hội thực hiện công tác thi đua khen thưởng và
phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác tổ chức cán bộ. Việc bổ
nhiệm Chánh văn phòng các Đoàn đại biểu Quốc hội có thể do Trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội ở địa phương quyết định sau khi có sự hiệp thương với Văn phòng Quốc hội
và cấp ủy địa phương hoặc là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, sau khi đảm
bảo quy trình về công tác cán bộ và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm.
Ở
một khía cạnh khác khi pháp luật giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ
“Hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; xem xét báo
cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”
(Điều 55) với cơ quan giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện
nhiệm vụ này chủ yếu là Văn phòng Quốc hội thì giao nhiệm vụ cho Văn phòng Quốc
hội với tư cách là ngành dọc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ càng thuận
lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện quy định trên của pháp luật.
Đối với các cơ quan
giúp việc cho Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chủ
động phối hợp để đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan của Quốc hội ở địa
phương gắn kết chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, các cơ
quan hữu quan thực hiện hoàn thành các nội dung chương trình công tác diễn ra
tại địa phương.
Vấn đề thứ ba: Văn phòng
Đoàn đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm quan hệ chặt chẽ với văn phòng cấp
ủy, văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng Ủy ban nhân dân, cơ quan Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương để thực hiện tốt
chức năng, nhiệm vụ, triển khai các nội dung chương trình công tác của Đoàn đại
biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội được thống nhất và thuận lợi.
Ở
các mối quan hệ khác như sự chỉ đạo của Đảng thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc
hội là một tổ chức cơ sở Đảng đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên theo quy
định của điều lệ Đảng. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ công chức, viên
chức, người lao động là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam là thành viên của tổ
chức Đảng văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, là thành viên các tổ chức chính trị
xã hội như Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ…
Ở các mối quan hệ
hình chính ở địa phương, cơ quan văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội chịu sự quản
lý nhà nước, quản lý chuyên ngành của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật./.
Lê Nam
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa