Chặng đường 30 năm đổi mới của Việt Nam đã chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được duy trì trong một thời gian dài và mang tính bao trùm với sự tham gia và hưởng lợi của đại bộ phận người dân. Điều này đạt được là nhờ công cuộc đổi mới thực hiện những thay đổi to lớn về thể chế, với hai trụ cột chính là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đã tạo ra những động lực giúp huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế để thực hiện đầy đủ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư công và ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có những hành động chính sách đặc thù để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong xu thế hội nhập.

 

1. Thành tựu tăng trưởng của Việt Nam qua 30 năm đổi mới

Nhìn lại giai đoạn từ năm 1986, đến nay nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và được duy trì trong một thời gian dài. Theo số liệu “Các chỉ số phát triển của thế giới – World Development Indicators” của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cho giai đoạn 1990-2012 của Việt Nam đạt xấp xỉ 7,2% - một con số rất ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng trong cùng một giai đoạn của kinh tế thế giới là 2,74%, của nhóm các nước có mức thu nhập thấp là 4,31% và nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp là 5,01%. Nhờ vậy, mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức dưới 100 USD vào năm 1990 đã lên đến 1.960 USD vào năm 2013 và 2.054 USD vào cuối năm 2014, tức là khoảng 20 lần. Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Các chỉ số phản ánh những khía cạnh khác của đời sống nhân dân cũng được cải thiện đáng kể, từ tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học và trung học cho tới cải thiện tình trạng sức khỏe, và giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Việt Nam đã đạt được hầu hết và trong một số trường hợp thậm chí vượt nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Nhờ tăng trưởng nhanh, nên chỉ trong vòng ba thập niên, khoảng 30 triệu người đã thoát nghèo, với tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới giảm mạnh, từ 58.1% năm 1993 xuống còn 14.5% năm 2008 và dưới 5% vào năm 2015 này. Các chỉ số để đo bất bình đẳng như Gini, thu nhập của nhóm 10% người giàu nhất so với nhóm 10% người nghèo nhất cũng cho thấy tuy có sự gia tăng nhất định song Việt Nam đã kiềm chế được sự gia tăng bất bình đẳng ở mức tương đồng với trình độ phát triển.

Nói một cách khái quát, chặng đường 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được duy trì trong một thời gian dài và mang tính bao trùm với sự tham gia và hưởng lợi của đại bộ phận người dân. Điều này đạt được là nhờ công cuộc đổi mới thực hiện những thay đổi to lớn về thể chế, với hai trụ cột chính là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đã tạo ra  những động lực giúp huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều thay đổi đã diễn ra trong 30 năm qua, kể từ công cuộc đổi mới được khởi xướng và thực hiện. Những thay đổi lớn nhất về thể chế bao gồm:

- Tự do hóa giá cả, được thực hiện từ giữa những năm 80 và cho đến đầu những năm 90, giá cả của đa số hàng hóa cơ bản đã theo cơ chế thị trường;

- Tự do hóa trong lĩnh vực nông nghiệp:Kể từ cuối những năm 80, hàng loạt thể chế thị trường quan trọng đã được thiết lập để thực hiện việc tự do hóa lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 10 năm 1988 về khoán hộ đã tạo ra sự thay đổi căn bản động lực kinh tế đối với khu vực nông nghiệp, nơi có hơn 90% lực lượng lao động vào thời điểm đó. Dấu mốc quan trọng tiếp theo là việc thông qua Luật Đất đai vào năm 1993, với 5 quyền được trao, qua đó xác lập một thể chế thị trường đối với nguồn lực quan trọng bậc nhất này. Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi vảo các năm 1998, 2001, 2003, 2009 và gần đây nhất là năm 2013 với những thay đổi quan trọng theo hướng củng cố quyền sở hữu của người dân đối với đất đai.

- Tự do hóa lĩnh vực phi nông nghiệp:Trong những năm 90, nhiều thể chế thị trường đã được thiết lập để thúc đẩy quá trình tự do hóa và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, với đỉnh cao là việc thông qua Luật Doanh nghiệp vào năm 2000, và được tiếp tục sửa đổi vào các năm 2005, 2011, 2012 và 2014. Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, cuộc cải cách đã diễn ra trong suốt một giai đoạn dài kể từ đầu những năm 90.

Quá trình đổi mới của Việt Nam cũng đồng hành cùng với quá trình mở cửa và hội nhập, qua đó phát triển nền kinh tế thị trường theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phân công lao động trên phạm vi toàn cầu, mở cửa đón nhận vốn đầu tư và công nghệ nhằm thực hiện công nghiệp hóa đất nước. Quá trình hội nhập của Việt Nam trong 30 năm qua được thực hiện một cách kiên định trong khuôn khổ đơn phương (giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là đối với các đầu vào sản xuất), song phương (với Mỹ, EU v.v…), khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương với đỉnh cao là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO vào tháng 1/2007. Hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Những thay đổi quan trọng về thể chế này, cùng với sự phân bổ nguồn lực ban đầu tương đối công bằng cũng như các chương trình và chính sách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và giảm nghèo được thực hiện một cách kiên định trong suốt 30 năm qua đã giúp mở rộng cơ hội cũng như nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội cho mọi người. Tăng trưởng ở Việt Nam đã thực sự mang tính toàn diện, với sự tham gia và hưởng lợi của mọi người dân.

2. Bối cảnh mới của tăng trưởng ở Việt Nam trong quá trình hội nhập

Thành tựu mà công cuộc đổi mới tạo ra trong suốt 30 năm qua đang gần tiến đến ngưỡng giới hạn. Hệ quả là tăng trưởng đã có xu hướng chậm lại trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng suy giảm ở Việt Nam, đặc biệt là kể từ năm 2008 trở lại đây đó là, cơ cấu nền kinh tế chậm được đổi mới, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chất lượng không cao và thiếu bền vững do chủ yếu dựa vào sự gia tăng huy động nguồn lực (tức là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng); trong khi những bất cập về thể chế đã làm suy giảm hiệu quả phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Trong khi đó bối cảnh toàn cầu cũng có nhiều thay đổi, trở nên bất định hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008. Những bất cập chính sách, đặc biệt là trong việc đối phó với luồng vốn đầu tư gián tiếp lớn đổ vào trong giai đoạn 2007-2008 đã tạo ra một nền kinh tế bong bóng, vừa hút nhiều nguồn lực ra khỏi nền kinh tế thực, vừa tạo ra lạm phát cũng như những rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Do vậy, Việt Nam đã đưa vào thực hiện gói bình ổn vĩ mô vào đầu năm 2011 và chương trình tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy có nhiều nỗ lực song trong ngắn đến trung hạn nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa có những đột phá trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tạo nên hai điểm nghẽn đối với tăng trưởng là nợ xấu và nợ công. Thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao, làm cho nợ công tiến nhanh đến giới hạn đỏ 65% GDP, trong khi nợ xấu vẫn chưa được giải quyết về thực chất, có nguy cơ tạo nên vòng luẩn quẩn “tăng trưởng chậm – nợ xấu cao và nợ công tăng nhanh – đầu tư thấp – tăng trưởng chậm”.

Tăng trưởng suy giảm cũng có những tác động bất lợi đến tạo việc làm đầy đủ và có chất lượng trên thị trường lao động – trụ cột chính của tăng trưởng toàn diện. Những động lực của đổi mới đã giúp tạo ra những sự thay đổi cơ cấu mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là sự chuyển dịch trong nội bộ lĩnh vực nông nghiệp, cũng như sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ có năng suất cao hơn. Những thay đổi cơ cấu kinh tế này được phản ánh rất rõ nét đến 4 sự chuyển dịch trong cơ cấu việc làm: (i) trong lĩnh vực nông nghiệp – từ việc làm có năng suất thấp và thu nhập thấp sang việc làm có năng suất cao hơn với thu nhập cao hơn; (ii) chuyển dịch từ việc làm nông nghiệp sang việc làm phi nông nghiệp thuộc khu vực phi chính thức; (iii) chuyển dịch từ việc làm phi chính thức sang việc làm làm chính thức, tức là có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; và (iv) trong khu vực chính thức – chuyển từ việc làm năng suất thấp, thu nhập thấp (như giày da, dệt may v.v…) sang việc làm có năng suất cao hơn (như điện tử v.v…). Chính những sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế đi kèm với cơ cấu việc làm như vậy đã giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và toàn diện, đặc biệt giúp lao động ít kỹ năng có thể tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng.

Tuy nhiên, số liệu Điều tra Lao động và Việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy cả 4 quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động có xu hướng chậm lại, thậm chí bị đảo ngược trong một số trường hợp. Cụ thể, tỷ trọng lao động phi chính thức đã tăng trở lại, từ 74,8% năm 2011 lên 78% năm 2012. Trong một số thời điểm, tỷ trọng lao động nông nghiệp đã tăng lên. Quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm trong khu vực chính thức diễn ra chậm chạp, nên tuy xuất khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh song chủ yếu vẫn phải dựa trên lợi thế lao động giá rẻ, với sự chi phối của các hoạt động gia công lắp ráp trong lĩnh vực chế tạo cũng như của các dịnh vụ nhỏ có năng suất và thu nhập thấp. Trong khi năng lực doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, thể hiện ở trình độ công nghệ, chỉ có 2% doanh nghiệp có công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp, số doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp là chủ yếu chiếm 55%, số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là cơ bản chiếm 95-96%.

Trong trung đến dài hạn, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức do phương thức tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào gia tăng huy động và sử dụng nguồn lực (vốn, tài nguyên và lao động) đang tiến dần tới trần giới hạn; trong đó, yếu tố vốn chiếm tỷ trọng cao khoảng 52-53%, yếu tố lao động chiếm 19-20%; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đã ở mức tương đối cao trên 30% GDP nên khó tăng nhiều; nhiều loại tài nguyên đang cạn kiệt trong khi vấn đề già hóa dân số đang cận kề tạo nên những ràng buộc chặt trên thị trường lao động và đối với hệ thống an sinh xã hội. Trong khi đó, cấu phần thứ hai tạo nên tăng trưởng - năng suất của các nguồn lực sử dụng (yếu tố năng suất tổng hợp - TFP) đã tăng chậm lại và đang chiếm 28-29% (TFP trong khu vực  35-40%); năng suất lao động cũng có xu hướng tương tự.

Trong bối cảnh đó, trong trung đến dài hạn, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phù hợp với sự thay đổi về chất trong quá trình phát triển của đất nước.

Bối cảnh toàn cầu cũng có những diễn biến tích cực và tiêu cực đan xen nhau có thể tác động đến tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam. Trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục phục hồi chậm chạp, tạo áp lực đối với những nền kinh tế có độ mở cao, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn của nền kinh tế và chính trị toàn cầu vẫn còn tiếp diễn, những cơ hội mới đối với Việt Nam đã xuất hiện. Sự gia tăng vai trò của châu Á nói chung và Đông Á nói riêng, và sự dịch chuyển của đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đến những địa điểm “ngoài Trung Quốc song gần với Trung Quốc” của các tập đoàn đa quốc gia đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn FDI có chất lượng.

3. Những định hướng về cải cách thể chế và chính sách để tăng trưởng toàn diện trong xu thế hội nhập

Để có thể nắm được những cơ hội to lớn mà những lợi thế về địa kinh tế của Việt Nam mang lại và vượt qua được “bẫy gia công lắp ráp” – một mức thấp của “bẫy thu nhập trung bình”, qua đó bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và bắt kịp với các nước đi trước, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế để thực hiện đầy đủ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư công và ngành nông nghiệp.

Bên cạnh những thay đổi thể chế và chính sách để đưa nền kinh tế trở lại với quĩ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững, cần có những hành động chính sách đặc thù để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Cụ thể là cần phải tháo gỡ các cản trở cũng như thiết lập các thể chế kiến tạo thúc đẩy sự phát triển các ngành tạo việc làm và kế sinh nhai cho những người lao động ít kỹ năng và dễ bị tổn thương. Đó là các ngành và lĩnh vực cần đặc biệt được quan tâm: (i) nông nghiệp; (ii) công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động; (ii) xây dựng, (iii) thương mại và dịch vụ nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả hai khu vực chính thức và phi chính thức. Các cản trở về thể chế và chính sách đối với nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến tiếp cận tín dụng của ngân hàng, cần được tháo gỡ. Các ngành công nghiệp phụ trợ thường sử dụng nhiều lao động và do vậy cũng cần được quan tâm đặc biệt để giúp tăng trưởng vừa nhanh vừa mang tính toàn diện.

Cùng với việc cải thiện các kết quả liên quan đến tạo việc làm bền vững và có chất lượng, hệ thống an sinh xã hội cần tiếp tục được mở rộng và hoàn thiện để nâng cao khả năng tiếp cận của mọi người dân đến các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện chất lượng của giáo dục phổ thông thì giáo dục ở cấp sau phổ thông (đại học, cao đẳng, dạy nghề) cần được ưu tiên đặc biệt, do đây là cấp mà chất lượng giáo dục ở Việt Nam có rất nhiều bất cập, trong khi lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh mới để giúp Việt Nam có thể vươn lên thoát được “bẫy gia công lắp ráp” và trong tương lai là “bẫy thu nhập trung bình”. Giáo dục mầm non cũng là cấp học chịu ảnh hưởng nhiều của sự chênh lệch giàu nghèo, là giai đoạn có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển não bộ, qua đó đến cơ hội tương lai của đứa trẻ. “Bẫy nghèo đói”“bẫy bất bình đẳng” cần được phá vỡ bắt đầu từ đây thông qua các chính sách và đầu tư phù hợp của Nhà nước.

Tăng cường năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp  và sản phẩm. Phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ đạt mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và góp phần giảm chi phí, giảm giá thành, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, cung cấp đủ nhu cầu lao động gia tăng và tăng năng suất lao động là yếu tố đặc biệt để giúp tăng trưởng vừa nhanh vừa mang tính toàn diện.

                                                                TS. Bùi Sỹ Lợi

                                            Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.178.535
Trong năm: 1.347.572
Trong tháng: 142.733
Trong tuần: 30.761
Trong ngày: 146
Online: 79