Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng các phiên họp của thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa
(Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị Thường trực các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021)
Đồng chí Phạm Bá Oai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Kính thưa các đồng quý vị đại biểu!
Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng tới tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 5 nhiệm kỳ 2016- 2021 tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh. Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời kính chúc các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các vị đại biểu tham dự Hội nghị dồi dào sức khỏe, giành nhiều thắng lợi mới. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Theo nội dung gợi ý tại chủ đề của Hội nghị lần này, qua thực tiễn triển khai thực hiện tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa xin được trao đổi một số nội dung liên quan đến thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa trong việc xem xét, quyết định các vấn đề do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh để Hội nghị cùng thảo luận và tham khảo.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở các quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về quy chế hoạt động của HĐND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh, Quy trình xử lý các công việc do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh. Đây là 03 văn bản rất quan trọng để các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh bảo đảm khoa học, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, quy định: Trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ, nếu có những vấn đề phát sinh khi thực hiện chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh thì UBND có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến. Thường trực HĐND có trách nhiệm xem xét, trả lời theo quy định; khi được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất, UBND triển khai thực hiện và báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh quy định cụ thể những vấn đề phải được tập thể Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định, đó là:
1) Thống nhất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh; xem xét các nội dung trước khi trình ra kỳ họp HĐND tỉnh.
2) Thông qua dự kiến các chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐND tỉnh; báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh.
3) Thông qua chương trình, kế hoạch công tác 6 tháng, hàng năm của Thường trực HĐND tỉnh; chương trình các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND tỉnh; quyết định thành lập Đoàn giám sát và xem xét báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh.
4) Xem xét, quyết định các vấn đề do UBND tỉnh và các cơ quan trình Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh.
5) Xem xét báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh.
6) Tổ chức phiên họp để chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh.
7) Tổ chức phiên giải trình về những vấn đề Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.
8) Tiến hành quy trình để phê chuẩn danh sách Ủy viên Ban của HĐND tỉnh; cho thôi làm Ủy viên Ban của HĐND tỉnh; phê chuẩn bổ sung Ủy viên Ban của HĐND tỉnh.
9) Xem xét, thống nhất việc trình HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
10) Xem xét, quyết định việc đưa ra HĐND tỉnh hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh.
Các đại biểu Đoàn Thường trực HĐND tỉnh tham dự Hội nghị Thường trực các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Các nội dung mà tập thể Thường trực HĐND tỉnh xem xét và cho quyết định rất nhiều, do thời gian có hạn chúng tôi xin đi sâu vào việc xem xét, quyết định các vấn đề do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ nêu trên Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quy trình xử lý các công việc do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận và xử lý các văn bản sau:
- Văn bản thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo luật định.
- Các văn bản của Trung ương yêu cầu UBND tỉnh phải xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi thực hiện.
- Các nội dung HĐND tỉnh ủy quyền giải quyết cho Thường trực HĐND tỉnh giải quyết.
Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định nội dung các văn bản UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh theo ba hình thức sau:
- Xem xét tại phiên họp thường kỳ Thường trực HĐND tỉnh đối với các nội dung mà Ban HĐND tỉnh đã có báo cáo thẩm tra trình Thường trực HĐND tỉnh trước ngày tổ chức phiên họp.
- Xin ý kiến các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh bằng phiếu, hình thức này chủ yếu được thực hiện cuối năm 2016 do chưa tổ chức thường xuyên các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh; hình thức này cũng được thực hiện đối với các nội dung mà Ban HĐND tỉnh đã có báo cáo thẩm tra trình Thường trực HĐND tỉnh trước ngày tổ chức phiên họp từ 8 ngày trở lên, nếu đợi đến phiên họp sẽ chậm triển khai thực hiện.
- Chủ tịch HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến đối với các nội dung có tính cấp thiết, cần phải được xử lý ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh; báo cáo Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp gần nhất.
Trong Quy chế cũng quy định rõ hồ sơ trình, bao gồm hồ sơ trình của UBND tỉnh, hồ sơ thẩm tra của Ban HĐND tỉnh.
Thời gian giải quyết của Thường trực HĐND tỉnh, thời gian thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh được quy định rất chặt chẽ: trong ngày làm việc, chậm nhất là ngày tiếp theo Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh thẩm tra hồ sơ do UBND tỉnh trình. Ban của HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra, báo cáo kết quả thẩm tra trình Thường trực HĐND tỉnh sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu thẩm tra. Thường trực HĐND tỉnh họp và ban hành văn bản trả lời UBND tỉnh chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra của Ban HĐND tỉnh. Trường hợp nội dung trình của UBND tỉnh không thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh, thì chậm nhất sau 02 ngày làm việc, Ban của HĐND tỉnh được giao thẩm tra phải báo cáo Thường trực HĐND tỉnh bằng văn bản để trả lại cho UBND tỉnh. Trong quá trình thẩm tra, nếu cần phải bổ sung hồ sơ, khảo sát thực tế thì hời gian thẩm tra không quá 07 ngày làm việc. Nếu Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND tỉnh bổ sung hồ sơ, làm rõ một số nội dung thì thời gian xử lý lần sau tính từ ngày nhận được hồ sơ trình lại của UBND tỉnh.
Thực hiện quy định trên, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp đúng quy định, đáp ứng kịp thời công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 19 phiên họp. Xem xét, cho ý kiến về 357 tờ trình của UBND tỉnh; trong đó trả lại 28 tờ trình vì không đúng thẩm quyền giải quyết; ban hành 329 văn bản kết luận phiên họp. Nội dung trình của UBND tỉnh chủ yếu thuộc lĩnh vực đầu tư và phân bổ ngân sách. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng như: Thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; dự án đầu tư xây dựng Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư; đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện; phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và chấp thuận các dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; ban hành Bảng giá đất điều chỉnh thời kỳ 2015 – 2019 trên địa bàn tỉnh; v.v...
Qua thực tiễn tổ chức các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua cho thấy:
Chất lượng các phiên họp ngày càng được nâng lên, trong đó: Công tác chuẩn bị và tổ chức phiên họp được Thường trực quan tâm chỉ đạo vào khâu nâng cao chất lượng các báo cáo, tờ trình, đề án trình Thường trực HĐND tỉnh; chỉ đưa vào chương trình phiên họp những vấn đề đã chuẩn bị chu đáo về nội dung và được Ban của HĐND tỉnh thẩm tra theo quy định; cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến nội dung phiên họp. Qua các phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh phát hiện nhiều vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp quy định pháp luật và có ý kiến chỉ đạo kịp thời để UBND tỉnh, các ngành chấn chỉnh, khắc phục.
Công tác điều hành phiên họp của Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục có những đổi mới, dân chủ, đúng luật, phát huy trí tuệ của tập thể Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu mời tham dự, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào từng nội dung của phiên họp. Tại phiên họp chỉ trình bày tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào những nội dung chính của từng vấn đề UBND tỉnh xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh. Trên cơ sở diễn biến của phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đã kết luận rõ ràng, xác đáng từng vấn đề, qua đó bảo đảm được sự nhất trí cao của các thành viên Thường trực HĐND tỉnh khi biểu quyết. Đối với những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến phân vân, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh kiểm tra, làm rõ nội dung trình và tiến hành xem xét, quyết định tại phiên họp sau.
Công tác thẩm tra của các Ban bảo đảm đúng quy trình, quy định; chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng lên, có tính phản biện cao, cung cấp nhiều thông tin, làm cơ sở để đại biểu tham dự phiên họp thảo luận và để Thường trực HĐND tỉnh biểu quyết từng nội dung UBND tỉnh trình.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh để xem xét các nội dung UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh vẫn còn một số bất cập:
Một là, thời gian đầu nhiệm kỳ việc tổ chức phiên họp Thường trực HĐND tỉnh chưa đều, phải đến giữa năm 2017 trở lại đây thì mới tổ chức được thường xuyên, thậm chí có tháng phải tổ chức hai phiên họp.
Hai là, một số tờ trình của UBND tỉnh trình không đúng thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh nên phải trả lại; còn một số nội dung đến sát ngày tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh vẫn trình Thường trực HĐND mà không đưa ra kỳ họp; một số tờ trình của UBND chưa đầy đủ thông tin để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định nên phải yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh.
Ba là, theo quy định của Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ thì một số nội dung thuộc lĩnh vực đầu tư công HĐND tỉnh không ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh nên sẽ dẫn đến chậm trễ trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND và phải tổ chức khá nhiều kỳ họp HĐND tỉnh bất thường.
Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm trong việc tổ chức phiên họp Thường trực HĐND tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh như sau:
Thứ nhất, Thường trực HĐND tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ khâu chuẩn bị và tổ chức phiên họp; quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và cho ý kiến vào các nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại các kỳ họp bất thường, đặc biệt là các vấn đề về đầu tư tư công. Kịp thời xử lý các công việc do UBND tỉnh trình bảo đảm nhanh gọn, chất lượng, hiệu quả. Văn bản trả lời của Thường trực HĐND tỉnh phải đúng quy định của pháp luật, quy định rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo việc đưa ra phiên họp các nội dung do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh để Thường trực HĐND tỉnh thảo luận và quyết định. Điều hành phiên họp với tinh thần phát huy trí tuệ của tập thể, giảm bớt các thủ tục nghi lễ hình thức, tránh phát biểu trùng lặp, không định kiến, tôn trọng ý kiến trái ngược, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong tranh luận, thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề; yêu cầu đại diện UBND tỉnh và các cơ quan liên quan giải trình cụ thể các vấn đề thành viên Thường trực HĐND tỉnh quan tâm; kết luận rõ ràng từng nội dung, thông qua nội dung kết luận và giao cho Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ký văn bản gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
- Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giúp Chủ tịch HĐND tỉnh trong việc chỉ đạo tiếp nhận, xử lý các công việc do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh, cụ thể như sau:
+ Đối với các công việc cấp thiết, cần phải xử lý ngay thì báo cáo Chủ tịch HĐND tỉnh để xin ý kiến các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh bằng phiếu.
+ Phân công Ban của HĐND tỉnh thẩm tra các công việc bằng phiếu chuyển.
+ Báo cáo Chủ tịch HĐND tỉnh xem xét, quyết định: Số lượng, nội dung các công việc cần đưa ra phiên họp để Thường trực HĐND tỉnh thảo luận và quyết định; các công việc sau khi tổng hợp ý kiến của các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh trong trường hợp xin ý kiến bằng phiếu.
+ Việc ký các văn bản trả lời UBND tỉnh theo sự ủy quyền của Chủ tịch HĐND tỉnh.
- Các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh để thảo luận và biểu quyết về các nội dung do UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Trường hợp khi nhận được phiếu xin ý kiến, cần nghiên cứu và cho ý kiến bảo đảm thời hạn ghi tại công văn xin ý kiến.
Thứ hai, Các Ban của HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra các văn bản theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh bảo đảm thời gian, hiệu quả, chất lượng. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của Ban; ghi rõ những nội dung thống nhất, những nội dung không thống nhất; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Việc tổ chức thẩm tra thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban.
- Trong quá trình thẩm tra, nếu cần phải bổ sung hồ sơ thì Ban của HĐND tỉnh có văn bản báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh bổ sung hồ sơ. Trường hợp Ban xét thấy cần phải khảo sát thực tế thì thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban.
Thứ ba, Văn phòng HĐND tỉnh tổ chức tiếp nhận, phân loại các công việc do UBND tỉnh trình, kịp thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, giải quyết. Phát hành văn bản đi đúng quy định, thực hiện nghiêm các quy định về bảo mật thông tin.
- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nghiên cứu hồ sơ do các Ban HĐND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh; tham mưu văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh thẩm tra lại hoặc bổ sung, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh hoặc yêu cầu UBND tỉnh làm rõ một số nội dung, bổ sung hồ sơ theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh.
- Thực hiện tốt công tác tham mưu trong việc sưu tầm văn bản, tài liệu và thực hiện tổng hợp, phân tích các nội dung có liên quan, cung cấp thông tin phục vụ Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành và kết luận từng nội dung tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Tham mưu ban hành các thông báo, kết luận của Thường trực HĐND tỉnh ngay sau phiên họp.
Thứ tư, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh là rất quan trọng. Thường trực và các Ban của HĐND tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận phiên họp và yêu cầu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.