Ngày 16/3/2022, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên, môi trường. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội sáng ngày 16/3

Phiên chất vấn được thực hiện trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cả nước, đồng thời được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và phát thanh.

Dự phiên chất vấn tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội đang công tác tại tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan.

 

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: phiên chất vấn lần này của UBTVQH tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của QH và các cơ quan của QH đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận và cử tri đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý ngành nêu trên mà còn liên quan đến các Bộ ngành liên quan.

UBTVQH đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào 2 nội dung. Thứ nhất là liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Thứ  hai là việc thực hiện những việc mới, những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân..., trên cơ sở đó để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, các thành viên UBTVQH, các vị ĐBQH và các đồng chí thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn

Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn sáng 16/9. Đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu ngành công thương trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các ý kiến chất vấn của ĐBQH và trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Về câu hỏi “Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá” của nhiều đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40-60%. Nguồn cung trong nước gặp khó khăn, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% xăng dầu cả nước, giảm công suất. Có nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, trong đó có việc phân giao cho các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường.

Về quá trình điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, cũng như triển vọng giá xăng dầu thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tại nhiều kỳ điều hành đã trích từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 500-1.500 đồng/lít, kg xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới.

Theo Bộ trưởng, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu rất quan trọng, nhưng quỹ hiện chỉ có khoảng 600 tỷ đồng, trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn. Hai bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị UBTVQH giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được thông qua, áp dụng từ 1-4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm". Mặc dù vậy, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao, sẽ đề xuất giảm tiếp các loại thuế, phí khác... “Hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao, thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu”, Bộ trưởng cho biết…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn

Buổi chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp tục điều hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trẩn Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán đất đai và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Trả lời về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các hợp đồng hứa mua, hứa bán là hành vi lách luật. Luật Đất đai quy định chỉ được đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường khi đã có quy hoạch, có hạ tầng hay đầu tư xong nền móng và phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Việc này được áp dụng bởi Luật Dân sự bởi vì Bộ luật dân sự không cấm những giao dịch hợp đồng. Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch. Nghiên cứu trong Bộ luật Dân sự để quy định khi có những loại giao dịch thế này thì cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần phải công khai và công bố những gì, trách nhiệm đến đâu. Về dấu hiệu "bong bóng" bất động sản và trốn thuế trong các giao dịch đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với đấu giá đất, có cả hiện tượng dìm giá và dìm giá cũng nguy hiểm như đẩy giá. Đẩy giá làm biến động thị trường, tạo ra giá ảo và làm cho chỉ số đầu vào kinh tế tăng cao, không hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Các đại bểu cũng dành nhiều sự quan tâm đối với vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp rất đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách vừa mang tính chất và lâu dài. Các câu hỏi chất vấn có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn; Các thành viên Chính phủ giải trình thỏa đáng, không né tránh, vòng vo.

Chủ tịch Quốc hội đã nêu một số vấn đề trọng tâm để Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan hũu quan thực hiện, trong đó nổi bật là xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào; Cần có giải pháp tổng thể căn cơ để giải quyết vướng mắc của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước; xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về sản xuất và kinh doanh xăng dầu; tiếp tục điều hành giá xăng dầu sát giá xăng dầu thế giới, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành chức năng nghiên cứu trình Quốc Hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những bất cập hiện nay; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai; hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, cấp huyện, công khai minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai,  nhất là trong khâu lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số giải pháp cụ thể để các ngành chức năng khắc phục những bất cập tồn tại đối với từng nội dung chất vấn và tin tưởng kết quả chất vấn sẽ là tiền đề vững chắc để cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn 2020 – 2025.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.292.311
    Trong năm: 975.993
    Trong tháng: 86.929
    Trong tuần: 23.601
    Trong ngày: 601
    Online: 65