Cử tri đề nghị Bộ Lao động- thương binh và Xã hội sớm ban hành Quy chế thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện; sớm ban hành quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục dạy nghề gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.
Ngày 23/12/2021, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 4889/BLĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
1. Về nội dung sớm ban hành Quy chế thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2014, ngày 19/10/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Hiện nay, chưa có văn bản mới thay thế Thông tư liên tịch nêu trên. Vì vậy, căn cứ Điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2015/TLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV và tình hình thực tiễn của địa phương, điều kiện cụ thể của trung tâm, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chỉ đạo các Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo nghề và giảng dạy văn hóa bậc THPT cho người học. Thời gian tới, 02 Bộ sẽ tiếp tục phối hợp để có sự thống nhất chỉ đạo trong hoạt động của các trung tâm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học trong việc học nghề và học văn hóa bậc THPT.
2. Về nội dung sớm ban hành quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục dạy nghề gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.
Trong những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cụ thể:
- Nghị định số 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định. Doanh nghiệp được thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; được tham gia tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; được tham gia xây dựng chương trình đào tạo tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, thực hành, đánh giá kết quả học tập của người học.v.v...
- Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại khoản 5, Điều 51 của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Khoản 3 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Cụ thể hóa quy định của các luật, các nghị định hướng dẫn Luật đã quy định rõ các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các chi phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phi khác hỗ trợ cho người học; chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp... đều được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Chính sách xã hội hóa tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hợp động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã quy định rõ các ưu đãi về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất cho thuê đất v.v., đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Về cơ bản, các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Để cụ thể hóa các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-TCGDNN ngày 05/4/2021 Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có hoạt động hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của pháp luật về thuế./.