Cử tri đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn về căn cứ, cách thức trưng cầu các tổ chức cá nhân có năng lực làm giám định, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định. Hướng dẫn việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng để bảo đảm việc giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp, trong đó xác định rõ nội dung, cách thức, cơ chế phối hợp cho phù hợp với tính chất đặc thù của giám định tư pháp.

Ngày 21/7/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 2570/VKSTC-V14 về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Về hướng dẫn căn cứ, cách thức trưng cầu giám định tư pháp; xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp:

Ngày 13/12/2017, liên ngành Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao. Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Thông tư liên tịch này quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp và việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, Thông tư liên tịch cũng có quy định về đánh giá, sử dụng kết luận giám định (Điều 8).

Hiện nay, để giải quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác trưng cầu giám định. Bộ Công an cũng đang chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp; trong đó, đã dự thảo những nội dung về quan hệ phối hợp và trách nhiệm giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Giám định tư pháp, xác định căn cứ trưng cầu giám định, xác định những trường hợp khác xét thấy cần thiết phải trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự; trình tự, thủ tục trưng cầu giám định tư pháp trong tố tụng hình sự...Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xin ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri và sẽ phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành khác có liên quan xem xét, chỉnh lý nội dung liên quan trong quá trình xây dựng Thông tư liên tịch nêu trên.

2. Về việc xây dựng Quy chế phối hợp trong giám định tư pháp

Ngày 26/3/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Quy chế phối hợp số 992 QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC trong công tác giám định tư pháp. Quy chế đã quy định về nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan khác có liên quan về quản lý và giải quyết các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp thuộc thẩm quyền của mỗi cơ quan. Do vậy, việc ban hành thêm một quy chế phối hợp nữa giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp sẽ chồng chéo, không cần thiết./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.183.650
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 5.259
    Online: 66