Ngày 06/9/2022, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại UBND huyện Cẩm Thuỷ và thị xã Bỉm Sơn về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022. Cùng tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND, Công an, Viên kiệm sát nhân dân, Toà án nhân dân cấp huyện nơi Đoàn đến giám sát.
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND huyện Cẩm Thuỷ và thị xã Bỉm Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn được cấp ủy đảng, chính quyền thị xã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, đã ban hành các văn bản, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản của cấp trên trong lĩnh vực PCTN, tiêu cực trên địa bàn, vì vậy công tác PCTN, tiêu cực đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Toàn cảnh hội nghị tại UBND huyện Cẩm Thuỷ
Công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng bộ và chính quyền huyện Cẩm Thuỷ và thị xã Bỉm Sơn quan tâm, chỉ đạo. Thị xã Bỉm Sơn đã thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: Thông qua các Hội nghị, qua Bản tin, các chuyên mục phát trên đài truyền thanh, truyền hình thị xã, cổng Thông tin điện tử thị xã; niêm yết công khai thủ tục hành chính; thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Huyện Cẩm Thuỷ đã tổ chức tuyên truyền 396 cuộc với 48.340 lượt người tham gia, tuyên truyền 3.806 lượt trên hệ thống loa truyền thanh. Đối với việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, cả 2 đơn vị đều đã xây dựng kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; giai đoạn 2019 – 2021, thị xã Bỉm Sơn thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 27 cán bộ, công chức; huyện Cẩm Thuỷ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 36 công chức, viên chức.
Toàn cảnh hội nghị tại UBND thị xã Bỉm Sơn
Theo báo cáo của đơn vị, hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản thu nhập trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã thực hiện kê khai và công khai minh bạch theo quy định; huyện Cẩm Thuỷ tiến hành thực hiện kê khai tài sản, thu nhập các đối tượng thuộc diện phải kê khai trên toàn huyện bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng, đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật (Năm 2019: 452 người; năm 2020: 639 người; năm 2021: 196 người).
Đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Uỷ viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị đơn vị làm rõ một số vấn đề tại buổi giám sát
Kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực và sai phạm kinh tế qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các đơn vị nêu thông qua báo cáo và giám sát trực tiếp, cụ thể: Từ ngày 01/7/2019 đến 31/7/2022, Thanh tra huyện Cẩm Thuỷ đã tiến hành 9 cuộc thanh tra tại 14 đơn vị, qua thanh tra phát hiện 9.620.400 đồng hưởng không đúng đối tượng; qua giải quyết đơn tố cáo thu hồi 2.660.000 đồng hưởng sai quy định về chính sách hộ nghèo và cận nghèo nộp vào ngân sách nhà nước; xử lý kỷ luật hành chính: 05 cá nhân; xử lý kỷ luật Đảng: 11 trường hợp; thu hồi cho NSNN 12.280.400 đồng do hưởng sai đối tượng. Đối với thị xã Bỉm Sơn, cũng trong giai đoạn này, qua công tác thanh tra hàng năm được Chủ tịch UBND thị xã phê duyệt, Thanh tra Thị xã đã kiến nghị thu hồi và giảm trừ quyết toán tài chính các đơn vị do vi phạm nguyên tắc tài chính kế toán với tổng số tiền 281.896.736 đồng; kiểm điểm rút kinh nghiệm 08 tập thể, 25 cá nhân; trong kỳ báo cáo, thị xã Bỉm Sơn có 01 vụ việc tham nhũng, truy tố 04 bị can.
Đồng chí Hà Thị Hương, Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ Quan Hoá, uỷ viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi tại buổi giám sát
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát và các đơn vị đã làm rõ một số nội dung trong: việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là đối với hành vi “tham nhũng vặt”; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; công tác kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: lĩnh vực như đất đai, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biều kết luận
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các đơn vị trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện; đồng chí đề nghị trong thời gian tới đơn vị tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức tham mưu trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần và trách nhiệm của từng cá nhân. Đồng thời, thực hiện việc công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Đối với việc phát hiện xử lý tham nhũng, đồng chí đề nghị việc xử lý tham nhũng cần phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các công tác: thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiếp dân, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý; không phải tham nhũng thì xử lý tiêu cực. Chú trọng hơn nữa công tác xử lý và quan tâm thu hồi tài sản tham nhũng sau xử lý. Đối với thị xã Bỉm Sơn, đồng chí đề nghị đơn vị và các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc kéo dài trên địa bàn.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo HĐND trong kỳ họp tới./.