Thực hiện chuyên đề giám sát của Quốc hội về“Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành Báo cáo về kết quả giám sát số 03/BCGS-ĐĐBQH ngày 14/01/2023.

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn phát biểu tại buổi giám sát

Báo cáo kết quả giám sát tập trung làm rõ các vấn đề bao gồm: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; Việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.

- Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo nêu rõ: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành và 27 huyện, thị, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhất. UBND tỉnh đã triển khai đầy đủ các nội dung chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn tiền thuê đất, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội… Kết quả huy động các nguồn lực, trong đó từ nguồn NSNN giai đoạn từ 2020-2022 là 1.004.840 triệu đồng; kêu gọi thực hiện 02 dự án từ nguồn viện trợ ngoài nước: (1) Dự án Phát triển sinh kế bền vững kết hợp hỗ trợ ứng phó dịch bệnh Covid 19 tại Bá Thước, (2) Dự án chuyển đổi nền tảng truyền thông số cho các tổ chức xã hội địa phương nhằm nâng cao năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số trong ứng phó với đại dịch Covid-19 tại huyện Thường Xuân; huy động tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước bao gồm: tổng số tiền là 137.514 triệu đồng và hiện vật gồm nhiều hàng hoá, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch kịp thời, thiết thực như kit xét nghiệm, khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thở, phòng xét nghiệm, xe cứu thương, giường bệnh…

- Đối với hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở, báo cáo giám sát đã có phân tích và đánh giá cụ thể về thực trạng, những tồn tại hạn chế trong hệ thống tổ chức y tế bao gồm y tế công lập và y tế ngoài công lập; về chất lượng, số lượng đội ngũ nhân lực trong hệ thống y tế cơ sở; cơ chế tài chính cho y tế cơ sở và vấn đề chăm sóc sức khoẻ nhân dân của hệ thống y tế cơ sở… Nhìn chung, trong kỳ giám sát hệ thống y tế cơ sở đã có nhiều sắp xếp, đổi mới về tổ chức và quản lý, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại tuyến cơ sở cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân trong tỉnh, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thầy thuốc ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới, theo đó nổi lên các vấn đề: Cơ chế tài chính, kinh phí cho hoạt động y tế cơ sở thực hiện tự chủ, ngân sách nhà nước cấp hằng năm giảm dần. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người đến khám, chữa bệnh giảm đáng kể, nguồn thu của một số đơn vị không đạt dự toán. Việc thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là các huyện miền núi rất khó khăn, gây nên sự mất bình đẳng trong thu nhập của cán bộ y tế giữa các vùng, miền và giữa các tuyến bệnh viện. Một số đơn vị thiếu kinh phí chi trả các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức và người lao động; nợ tiền các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế…

Đoàn Giám sát thực hiện việc khảo sát thực tế tại cơ sở khám chữa bệnh

- Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế dự phòng, báo cáo giám sát đã có những đánh giá khái quát về hệ thống tổ chức, nhân lực, cơ chế tài chính và kết quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn trong kỳ báo cáo. Kết quả giám sát cho thấy, về hệ thống tổ chức, bộ máy đã hoàn thành việc sắp xếp lại; về chất lượng nguồn nhân lực 100% viên chức, người lao động đạt chuẩn theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chi ngân sách cấp tỉnh cho công tác y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 là 2.956.107 triệu đồng; Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ tuyến tỉnh đến cơ sở được vận hành hoạt động thường xuyên, liên tục đã kịp thời phát hiện các ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Chủ động, kịp thời khoanh vùng, khống chế, xử lý hiệu quả các bệnh dịch từ khi mới xuất hiện hạn chế thấp nhất số mắc, số tử vong và thiệt hại do dịch bệnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thần tốc, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và liên tục là một trong những tỉnh có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao nhất trong cả nước…

Những khó khăn, vướng mắc mà công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh đang gặp phải tập trung ở các vấn đề như cơ sở vật chất y tế dự phòng tại nhiều đơn vị đã xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa có trang thiết bị hiện đại; kinh phí hoạt động, chế độ chính sách cho lực lượng làm công tác y tế dự phòng còn nhiều khó khăn, hạn chế…

Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu kết luận

Từ những kết quả đã đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng thời gian qua, Báo cáo giám sát đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất một số kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền liên quan nhằm tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của địa phương, cụ thể:

Kiến nghị với Quốc hội, Báo cáo đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật có liên quan trực tiếp tới ngành Y như: Luật Dược, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm xã hội...

Đối với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành... nội dung kiến nghị tập trung vào các vấn đề như đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; tăng định mức đầu tư Ngân  sách Nhà nước cho y tế, đặc biệt là với những khu vực vùng miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới: BHXH, BHYT, cơ chế tài chính tại cơ sở y tế công lập, công tác mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế; chế độ chính sách cho công chức, viên chức và người lao động ngành Y...

Đối với HĐND và UBND tỉnh Thanh Hoá, Báo cáo giám sát đề nghị cần quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành y và các ngành có liên quan tại địa phương... có chính sách hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh cho một số nhóm đối tượng đặc thù như người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số... góp phần đảm bảo công bằng trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.289.238
    Trong năm: 978.192
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 436
    Online: 48