Thực hiện Quyết định số 137/QĐ-ĐĐBQH ngày 20/6/2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về giám sát “Việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017, Quốc hội khóa XIV của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 15/8/2017 - 31/5/2022”. Ngày 26/8/2022, Đoàn Giám sát do đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát tổ chức làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Thanh Hóa.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm việc tại Agribank Chi nhánh Bắc Thanh Hóa sáng ngày 26/8/2022

Tham gia Đoàn giám sát có các vị Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: ông Lê Thanh Hoàn, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Cao Mạnh Linh, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; ông Võ Mạnh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá và đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Sở Tài chính Thanh Hóa.

                                                           

 Đồng chí Lê Thanh Hoàn Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo hành lang pháp lý giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, thông qua xử lý tài sản đảm bảo khoản vay. Đồng thời, các cơ quan chức năng như Toà án, cơ quan thi hành án cũng tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng trong xử lý, thu hồi nợ xấu, góp phần khơi thông dòng tín dụng đang ứ đọng để phục vụ nền kinh tế.

Trong quá trình quán triệt nội dung và thực hiện Nghị quyết 42, các ngân hàng đã chủ động làm việc với các cơ quan, chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo hỗ trợ trong việc đôn đốc khách hàng trả nợ, xử lý nợ, có điều kiện thuận lợi để phối hợp kịp thời với các cơ quan thi hành án khẩn trương xử lý tài sản nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Tại Agribank Chi nhánh Bắc Thanh Hóa, sau khi có Nghị quyết 42, tổng số xử lý thu hồi nợ xấu đạt 212 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng, tốc độ tăng 78% so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 42. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kết quả thu hồi nợ xấu chậm, chủ yếu nợ xấu là các khoản vay theo Nghị định 67 và một phần các khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 .

Agribank Chi nhánh Bắc Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện 112 khách hàng nợ xấu với số tiền hơn 254,4 tỷ đồng; trong đó, đã giải quyết thu hồi 37 vụ với số tiền gần 48 tỷ đồng… Nghị quyết 42 đã hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý, thu hồi nợ xấu tại Agribank Chi nhánh Bắc Thanh Hóa, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của khách hàng trong quá trình vay, trả nợ đối với ngân hàng.

                                                            

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm việc tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa chiều ngày 26/8/2022

Tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại đơn vị là hơn 384,4 tỷ đồng; trong đó nợ xấu chưa được xử lý là hơn 72,6 tỷ đồng. Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa đánh giá khả năng thu hồi khoảng 40% tổng dư nợ theo Nghị quyết 42 do còn tài sản bảo đảm và khách hàng vẫn có ý thức trả nợ; 60% còn lại khó có khả năng thu hồi do khách hàng đã phá sản không còn tài sản bảo đảm; khách hàng nợ xấu vay theo Nghị định 67, tài sản xuống cấp; khách hàng có tài sản tranh chấp, khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, không còn phương án xử lý.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 cũng phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc áp dụng thủ tục rút gọn và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản biến động; việc nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản biến động; ý thức của người vay không đồng đều trong quá trình vay trả với ngân hàng hoặc không hợp tác với ngân hàng trong quá trình xử lý thu hồi nợ; việc phối hợp thực hiện nghị quyết chưa thông suốt; việc xử lý tài sản thế chấp là con tàu đối với các khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 rất khó khăn.

Tại buổi giám sát các ngân hàng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 chấp hành trả nợ cho ngân hàng. Đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng đối với phần nợ còn lại theo Nghị định 67 mà khách hàng không còn khả năng trả nợ sau khi đã thu từ việc bán đấu giá tài sản qua thi hành án…

Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Việc Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý, thu hồi nợ xấu đến cuối năm 2023 cho thấy những quy định đã phát huy hiệu quả, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ để các tổ chức tín dụng xử lý và thu hồi nợ xấu.

Đồng chí đề nghị các tổ chức tín dụng thường xuyên phân loại, đánh giá, từ đó có kế hoạch xử lý, thu hồi nợ xấu hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cũng cần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hạn chế rủi ro và các trường hợp có thể phát sinh nợ xấu; tăng cường giám sát, kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro trong hoạt động tín dụng. Những kiến nghị của các đơn vị, đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.289.405
    Trong năm: 978.359
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 603
    Online: 50