Tham luận của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam trình bày tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã phát biểu tham luận với chủ đề “HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh với việc tổ chức thực hiện giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với Vùng, liên Vùng.

* Nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế, tạo sự khác biệt nổi trội

Nhấn mạnh vị trí chiến lược quan trọng của Thanh Hóa trong kết nối vùng Duyên hải Trung Bộ với Vùng Tây Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thương mại, dịch vụ và du lịch, các chương trình quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, kết nối các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng được quan tâm và ngày càng phát triển. Trong những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, cơ chế đặc thù để phát triển các vùng trong tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị

Với sự ra đời của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 03-11-2021 của Quốc hội, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, như là: Điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi để liên kết kinh tế với các tỉnh nội Vùng, duyên hải Trung bộ, thủ đô Hà Nội, các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Vùng Tây Bắc và quốc tế; thu hút đầu tư, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân với mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tạo điều kiện để liên kết phát triển với các tỉnh bạn và liên vùng. Từ đó, đưa Thanh Hóa vốn là tỉnh có 2/3 diện tích là huyện miền núi; điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước.

* Khắc phục tồn tại trong thực hiện liên kết Vùng

Qua công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với Vùng, liên Vùng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, thiếu tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố. Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay; việc liên kết vùng vẫn còn hạn chế do yếu tố địa giới hành chính. Việc tổ chức triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết còn chưa thường xuyên, một số nghị quyết được ban hành nhưng chưa được giám sát.

Các đại biểu tham dự hội nghị

* Nâng cao vai trò của HĐND tỉnh trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với Vùng, liên Vùng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam, để nâng cao việc tổ chức thực hiện giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với Vùng, liên Vùng cần thực hiện bốn giải pháp.

Một là, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương phải gắn với Vùng, liên Vùng; các Nghị quyết của HĐND về quy hoạch, kế hoạch phải thể hiện được tính đặc thù, thế mạnh của mỗi địa phương và liên kết nội vùng. Khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.

Hai là, xây dựng chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Xây dựng cơ chế điều phối, quản trị Vùng; quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của mỗi Vùng, mỗi địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Lãnh đạo Quốc hội với các đại biểu

Ba là, trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND tỉnh về các quy hoạch, kế hoạch cần tập trung các nguồn lực và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế Vùng.

Đồng thời, làm tốt công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh đối với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết đã ban hành.

Bốn là, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thanh Hóa được xác định trong liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, trên thực tế việc liên kết, phát triển của Thanh Hóa với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc đã và đang là xu thế tất yếu. Do đó, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tính toán, định vị sự phát triển của Thanh Hóa cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.673
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.889
    Online: 84