Ngày 10/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn và các đại biểu Quốc hội: Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách, Phạm Thị Xuân, ĐBQH, Công chức Văn phòng Huyện ủy Quan Hóa đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm giai đoạn 2020-2023” tại các huyện Cẩm Thủy và Vĩnh Lộc.

Tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Trước khi làm việc với huyện Cẩm Thủy, Đoàn Giám sát đã đi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Thủy.

Đoàn Giám sát đi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Thủy.

Theo báo cáo của huyện Cẩm Thủy, trong những năm qua, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm luôn được huyện quan tâm thực hiện. Huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động việc làm thông qua nhiều hình thức như: băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, trên hệ thống truyền thanh, thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hội nghị, tổ chức truyền thông trực tiếp, tuyên tuyền qua đội ngũ báo cáo viên và cổng thông tin điện tử của các đơn vị.

Toàn cảnh buổi giám sát tại huyện Cẩm Thủy

Chính sách hỗ trợ việc làm được huyện chú trọng thực hiện mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2020-2023, Chi nhánh ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã cho 869 lượt lao động được vay vốn từ quỹ giải quyết việc làm với số tiền trên 70 tỷ đồng. Các nguồn vốn cho vay ưu đãi đã tạo hiệu quả về kinh tế - xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều lao động đầu tư sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế, tổ hợp tác, HTX góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm.

Từ năm 2020-2023, huyện đã tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho 862 lao động nông thôn từ nguồn kinh phí thực hiện thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, huyện cũng đã hỗ trợ cho 522 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền là 1 tỷ 566 triệu đồng. Nhờ đó, số lao động có việc làm trong huyện tăng từ 62.401 lao động (năm 2020) lên 68.721 lao động (năm 2023). Số người lao động tiếp cận được nguồn vốn này năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, các địa phương đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn. Công tác xuất khẩu lao động, việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có nhiều chuyển biến tích cực.

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng phát biểu tại buổi giám sát.

Tại huyện Vĩnh Lộc, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức và nội dung, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách, pháp luật về việc làm, công tác tạo việc làm, đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng mang lại thu nhập ngày càng cao và ổn định đời sống.

Năm 2020, huyện đã giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm cho 127 lượt người, với tổng số tiền vay là 6 tỷ 432 triệu đồng... Năm 2023, huyện đã giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm cho 370 lượt người, với tổng số tiền vay là 35 tỷ 452 triệu đồng; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là 3 lượt người, với tổng số tiền vay là 149 triệu đồng. Hằng năm, huyện đều mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia học tập. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tham gia. Vì vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động của huyện giảm dần theo hướng tích cực. Năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội toàn huyện là 30,1%; năm 2023 tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội của huyện giảm còn 24,5%.

Tại các buổi làm việc, đoàn giám sát đã gợi mở một số nội dung để các huyện Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc làm rõ thêm về những tồn tại, bất cập trong quy định của pháp luật trong thực hiện các chính sách, lao động, việc làm, như: việc mở rộng đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, những giải pháp để người lao động tiếp cận dễ hơn đối với các nguồn tín dụng ưu đãi về lao động, việc làm; công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động.

Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi giám sát

Thay mặt đoàn giám sát, ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao việc tổ chức thực hiện các chính sách việc làm tại các huyện Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc và công tác chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn. Đồng thời đề nghị các huyện tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, hoàn thiện nội dung báo cáo theo đề cương, yêu cầu của đoàn, để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề xuất các bộ ngành Trung ương sửa đổi, hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    516 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.030.810
    Trong năm: 1.278.311
    Trong tháng: 147.031
    Trong tuần: 25.019
    Trong ngày: 2.664
    Online: 29