Trong 2 ngày 10 và 11/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát tại thị xã Bỉm Sơn, huyện Như Thanh và Sở Tư pháp về việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay.

Toàn cảnh buổi giám sát tại thị xã Bỉm Sơn.

Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thị xã Bỉm Sơn đã ban hành 99 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, 11 nghị quyết về lĩnh vực ngân sách nhà nước, 1 nghị quyết về lĩnh vực quy hoạch, đô thị... Huyện Như Thanh đã ban hành 300 nghị quyết, trong đó có 147 nghị quyết về chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư, 22 nghị quyết về ngân sách...

Đại biểu tham dự buổi giám sát tại thị xã Bỉm Sơn.

Việc thẩm tra dự thảo nghị quyết của các Ban HĐND được các địa phương thực hiện đảm bảo chặt chẽ từ khâu khảo sát thực tế, nghiên cứu hồ sơ, làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan đến xây dựng báo cáo thẩm tra.

Toàn cảnh buổi giám sát tại huyện Như Thanh.

Hoạt động giám sát cũng được các địa phương chú trọng thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn; nội dung giám sát có nhiều đổi mới, bài bản, thiết thực, hiệu quả.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành nghị quyết của HĐND thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị nội dung, tài liệu, dự thảo nghị quyết ở một số kỳ họp vẫn còn chậm so với yêu cầu, chất lượng chưa cao làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các Ban HĐND. Một số nghị quyết sau khi ban hành do không dự báo hết được tình hình nên phải điều chỉnh. Một số ngành chuyên môn chưa cụ thể hóa các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để đề nghị HĐND ban hành nghị quyết triển khai thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị được UBND giao chủ trì soạn thảo đề án, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết chưa phối hợp chặt chẽ với các Ban HĐND ngay từ đầu nên việc nghiên cứu, thu thập thông tin để phục vụ công tác thẩm tra còn gặp nhiều khó khăn...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu kết luận giám sát.

Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Đồng thời, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề nghị thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện nội dung báo cáo theo yêu cầu.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Thường trực HĐND thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh cần xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, đảm bảo công tác ban hành nghị quyết của HĐND tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng soạn thảo dự thảo nghị quyết; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND.

Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với UBND, MTTQ cùng cấp và các cơ quan liên quan trong xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND. Ngoài ra, Thường trực HĐND thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh phân công các Ban HĐND chủ động vào cuộc, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND trong việc chuẩn bị nội dung cụ thể liền quan đến dự thảo nghị quyết cho kỳ họp.

Đồng thời nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND; trong đó các báo cáo thẩm tra tập trung phân tích, phản biện và nêu rõ chính kiến của các Ban HĐND của thị xã Bỉm Sơn và huyện Như Thanh. Chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đại biểu HĐND, các Ban HĐND từ cấp huyện đến cấp xã...

Chiều 11/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục có buổi làm việc với Sở Tư pháp về việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp huyện trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh.

Về công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, ngay sau khi luật có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 26/10/2016 về bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, căn cứ vào kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành kế hoạch tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL. Đến nay, đã tổ chức được 52 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác xây dựng văn bản QPPL.

Mặc dù việc tuyên truyền phổ biến quán triệt, tập huấn chuyên sâu về công tác xây dựng văn bản đã được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên liên tục, công tác xây dựng văn bản QPPL đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên, qua theo dõi, kiểm tra từ năm 2021 đến ngày 31/7/2024, vẫn phát hiện một số nghị quyết HĐND cấp huyện có chứa QPPL, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Cụ thể, Sở Tư pháp đã tổ chức 22 cuộc kiểm tra tại 22 đơn vị cấp huyện. Số lượng nghị quyết HĐND cấp huyện được kiểm tra là 1.187 văn bản, trong đó số lượng nghị quyết không phải văn bản QPPL là 1.187 văn bản; số lượng nghị quyết có chứa QPPL nhưng không được ban hành dưới hành thức văn bản QPPL là 28 văn bản.

Sau khi phát hiện văn bản có dấu hiệu vi phạm, Sở Tư pháp đã ban hành thông báo kết luận kiểm tra, kiến nghị HĐND cấp huyện tự xử lý văn bản theo thẩm quyền. Đến nay 100% nghị quyết có dấu hiệu vi phạm đã được HĐND cấp huyện bãi bỏ.

Đánh giá về việc bố trí các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo cho công tác ban hành và triển khai thực hiện văn bản QPPL, về nguồn nhân lực, hiện tại, Phòng Tư pháp cấp huyện thường được bố trí từ 2 đến 4 công chức, có trình độ chuyên môn luật, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Cơ sở vật chất, kỹ thuật được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, cấp huyện chưa bố trí được kinh phí riêng cho công tác xây dựng văn bản pháp luật mà bố trí kinh phí chung cho hoạt động tư pháp (hoạt động tuyên truyền, xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản, công tác hộ tịch, theo dõi thi hành pháp luật).

Đại diện Sở Tư pháp tham gia buổi giám sát.

Trong báo cáo của Sở Tư pháp cũng đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo HĐND, UBND các cấp quan tâm bố trí nhân lực và kinh phí cho hoạt động xây dựng văn bản QPPL. Đối với nghị quyết cá biệt của cấp huyện, theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Phòng Tư pháp không có nhiệm vụ thẩm định dự thảo nghị quyết cá biệt. Tuy nhiên để nghị quyết cá biệt của HĐND sau khi ban hành đảm bảo không trái thẩm quyền, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo về trình tự ban hành, đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến với HĐND cấp huyện về hồ sơ trình HĐND cấp huyện nên có văn bản thẩm định của Phòng Tư pháp.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung phân tích những kết quả đạt được, đồng thời làm rõ một số mặt còn tồn tại, hạn chế. Một số ý kiến đề xuất Sở Tư pháp nghiên cứu giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tham mưu, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Sở Tư pháp.

Phát biểu kết luận giám sát, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến ghi nhận những kết quả mà Sở Tư pháp đã đạt được trong việc tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn liên quan; đồng thời chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát ban hành văn bản của HĐND cấp huyện.

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương Sở Tư pháp tiếp tục nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn chuyên môn theo thẩm quyền, tăng cường cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực công tác. Quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát việc ban hành văn bản QPPL đối với cấp huyện, chấn chỉnh sai phạm, phòng ngừa từ sớm, từ xa; đồng thời kiến nghị đối với những vấn đề tồn tại vượt thẩm quyền. Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, nhất là cho đội ngũ công chức của phòng tư pháp cấp huyện trong việc tham mưu xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

Đồng chí đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện nội dung theo yêu cầu.

Báo Thanh Hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.172.331
    Trong năm: 1.345.959
    Trong tháng: 147.617
    Trong tuần: 29.434
    Trong ngày: 2.902
    Online: 110