Trong các kỳ họp HĐND, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phiên họp quan trọng. Chất vấn là một trong những hình thức thực hiện quyền giám sát của đại biểu HĐND. Quyền này đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định[1] “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn”. Chất vấn tại kỳ họp là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện vai trò tích cực của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể về trình tự thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND[2]:
Người chất vấn thực hiện chất vấn bằng việc nêu câu hỏi chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể. Câu hỏi chất vấn được hình thành chủ yếu trên cơ sở hoạt động thực tế của đại biểu như: Tham gia đoàn giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và qua các hoạt động hợp pháp khác của đại biểu để nắm bắt thông tin trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Câu chất vấn mà đại biểu đưa ra phải phù hợp pháp luật và yêu cầu thực tế.
Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).
Từ những đặc điểm trên, cho thấy rằng, chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp nhất, dân chủ nhất, tiếp nhận và giải quyết thông tin kịp thời nhất, đồng thời cũng là hình thức giám sát quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của HĐND các cấp, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình và quan tâm theo dõi. Cử tri và Nhân dân cũng đòi hỏi các đại biểu HĐND cần thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát nói chung, chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng, xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Trong những năm vừa qua, tại các kỳ họp thường lệ, HĐND thành phố Thanh Hóa đều dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn. Hoạt động chất vấn của HĐND thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tiêu biểu cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố là: Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021, HĐND thành phố đã tổ chức phiên chất vấn, người bị chất vấn là các thành viên UBND thành phố, nội dung chất vấn là: (1) Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; (2) Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND được các thành viên UBND thành phố và các cơ quan liên quan trả lời trực tiếp tại kỳ họp, những nội dung chất vấn cần có thời gian xem xét giải quyết đã được các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan tiếp thu, cam kết thực hiện. HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố đã giao các Ban của HĐND thành phố theo dõi, khảo sát việc thực hiện “lời hứa”, tiếp thu tại kỳ họp của những người bị chất vấn, để thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện trình HĐND thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố theo quy định.
Thực tế cho thấy, hoạt động chất vấn đã góp phần khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐND; nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc từng bước được công khai, minh bạch, xác định giải pháp khắc phục kịp thời.
Có được điều đó là do Thường trực, các Ban, các tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND thành phố đã không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, thể hiện qua công tác tổ chức thực hiện hoạt động chất vấn, từ việc chuẩn bị nội dung các phiên chất vấn, việc cung cấp thông tin về nội dung chất vấn cho đại biểu HĐND và cử tri, việc tổ chức phiên họp chất vấn, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của chủ tọa kỳ họp, việc tổ chức truyền thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi; việc ghi chép, tổng hợp các “lời hứa”, tiếp thu của những người bị chất vấn về nội dung thực hiện, lộ trình thực hiện, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, việc ban hành kết luận hoặc nghị quyết về chất vấn, việc tổ chức theo dõi, đôn đốc, khi cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của người bị chất vấn đến việc thông báo kết quả thực hiện cho đại biểu HĐND và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện “lời hứa” của người bị chất vấn.
Tuy nhiên, hoạt động chất vấn và trả lời chất tại các kỳ họp HĐND thành phố vẫn còn một số hạn chế đó là:
- Nhận thức về chất vấn và trả lời chất vấn của một số đại biểu HĐND và người bị chất vấn chưa thật đúng với mục đích, ý nghĩa của hoạt động này, nên còn e ngại, chưa thật sự cởi mở.
- Một số báo cáo của các cơ quan và người bị chất vấn về tình hình thực hiện nội dung chất vấn chuẩn bị chưa tốt, còn nêu chung chung, kết quả thực hiện không cụ thể, chưa có giải pháp khả thi, không có thời gian, lộ trình cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế.
- Số ý kiến chất vấn vẫn còn ít; có trường hợp đại biểu nêu câu chất vấn còn chung chung hoặc nặng về hỏi thu thập thông tin làm khó cho việc trả lời.
- Một số câu trả lời chất vấn của người bị chất vấn chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, chưa đi thẳng vào vấn đề nên chưa nhận được sự đồng tình, thống nhất của đại biểu và cử tri.
Từ thực tiễn hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố Thanh Hóa thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố Thanh Hóa đề xuất “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Thanh Hóa” như sau:
1. Nâng cao nhận thức về hoạt động chất vấn: đối với đại biểu HĐND, chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của đại biểu HĐND trước Nhân dân, trước cử tri. Trong quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu HĐND thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật, đại biểu HĐND phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ. Đại biểu HĐND ngoài việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, cần phải tìm hiểu sâu, kỹ những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Bên cạnh đó cần coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cũng là cơ hội để HĐND phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc để cùng với UBND và các cơ quan liên quan tìm giải pháp khắc phục; đó cũng là cơ hội để UBND và các cơ quan liên quan thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt qua để được sự chia sẻ của đại biểu HĐND và cử tri, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Công tác chuẩn bị nội dung chất vấn:
- Trước khi tổ chức hội nghị liên tịch để thống nhất dự kiến nội dung chương trình kỳ họp HĐND, trên cơ sở ý kiến kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và chất vấn của đại biểu HĐND gửi Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND dự kiến nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn tại phiên họp chất vấn (nội dung chất vấn phải được thu thập từ nhiều kênh thông tin: Qua quá trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND, thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng) đề xuất tại hội nghị liên tịch để thống nhất dự kiến phiên họp chất vấn. Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, HĐND thành phố sẽ chất vấn về: (1) Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan Tư pháp thành phố, (2) Công tác cấp phép xây dựng; Công tác quản lý trật tự đô thị và xử lý các sai phạm liên quan đến xây dựng không phép, xây dựng sai phép. Trong thời gian tiếp theo, HĐND thành phố sẽ tập trung chất vấn về: Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; Công tác xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện, trọng tâm là phong trào “Người dân thành phố Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”; Việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; Công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh ...
- Sau khi có dự kiến nội dung và phiên họp chất vấn, Thường trực HĐND gửi nội dung chất vấn cho người bị chất vấn để chuẩn bị báo cáo, người bị chất vấn phải gửi báo cáo đến Thường trực HĐND trước ngày khai mạc kỳ họp 10 ngày.
UBND và các cơ quan chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện nội dung chất vấn phải đảm bảo chất lượng, thời gian quy định, phải làm rõ những kết quả đã đạt được; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và phải có thời gian, lộ trình cụ thể.
- Thường trực HĐND gửi văn bản cung cấp thông tin về nội dung chất vấn đến đại biểu HĐND và yêu cầu đại biểu HĐND gửi các câu hỏi chất vấn để Thường trực HĐND tổng hợp. Việc đặt câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ hiểu, thiết thực, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể.
3. Công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp: Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn phải đúng luật, dân chủ, khoa học. Chủ tọa cần tìm hiểu kỹ nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra chất vấn. Điều hành nội dung chất vấn cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, tái chất vấn đến cùng và kết thúc đúng lúc, có thể kết hợp hình ảnh, hiện vật minh họa. Đối với những vụ việc nổi cộm thì cần dành thời gian hợp lý để người chất vấn và người trả lời chất vấn có sự trao đổi (đối thoại) tranh luận; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời bằng văn bản, hoặc trả lời vào phiên họp sau.
4. Đối với người trả lời chất vấn: Trên nguyên tắc hỏi ai người đó trả lời. Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, giải trình ngắn gọn, đầy đủ theo yêu cầu câu hỏi đặt ra, nêu rõ cái đúng, cái sai, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình và biện pháp khắc phục khả thi kèm theo. Thủ trưởng cơ quan trả lời chất vấn phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.
5. Trách nhiệm của đại biểu HĐND: Đại biểu HĐND cần nâng cao trách nhiệm, tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung chất vấn, tái chất vấn, đảm bảo chất vấn mang tính xây dựng và đúng quy định pháp luật.
6. Ban hành thông báo kết luận hoặc nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn:
- Sau phiên họp chất vấn, HĐND sẽ ra thông báo kết luận chất vấn hoặc nghị quyết về các nội dung chất vấn. Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những “lời hứa” của UBND và các cơ quan liên quan về nội dung được kết luận tại phiên chất vấn; tạo sự đồng thuận để thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn; có sự cảm thông, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm giữa HĐND, UBND và cử tri với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã được HĐND quyết định.
- Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND thường lệ tiếp theo, UBND và các cơ quan liên quan phải gửi báo cáo về việc thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của HĐND về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu HĐND[3].
[1] Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
[2] Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
[3] Điều 60, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.