Theo đánh giá của nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVIII đã cơ bản đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân. Bên cạnh đánh giá, bàn thảo những vấn đề lớn về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các đại biểu HĐND đã tập trung phần lớn thời gian thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề "nóng", bức xúc cử tri gửi gắm. Đem "hơi thở" cuộc sống vào từng phiên họp cũng chính là định hướng mà Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đặt ra trước mỗi kỳ họp.
Thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII tiếp tục mạch đổi mới với dấu ấn của các phiên họp không giấy tờ. Tất cả tài liệu kỳ họp đều được Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh gửi đến đại biểu thông qua phần mềm VNPT - ecabinet. Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu kết hợp kinh nghiệm thực tế thông qua tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, tạo bầu không khí sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đã đánh giá toàn diện, đa chiều những gam màu sáng - tối trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm; thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ. Đại biểu nêu bật khó khăn, vướng mắc cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ tỉnh quan tâm tháo gỡ. Trong đó, có vấn đề lựa chọn, chấp thuận chủ trương chủ đầu tư không đúng quy định và đề xuất thu hồi dự án do vi phạm gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; giá nguyên vật liệu tăng cao; tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sau đại dịch...
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong các cuộc tiếp xúc, tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển 11 huyện miền núi với 6 huyện nghèo, 95 xã và 127/181 thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng đó, là các giải pháp khả thi nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.
Tại phiên thảo luận, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế và số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tăng cao cũng đã được đại biểu nêu rõ và đề nghị tỉnh cần sớm có giải pháp xử lý. Theo đại biểu, đây là vấn đề lớn không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa mà còn là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác trong cả nước, chủ yếu xuất phát từ vướng mắc trong công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết khi hành lang pháp lý trong lĩnh vực y tế còn thiếu chặt chẽ, rõ ràng.
Đi đến cùng vấn đề chất vấn
Cùng với các phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, cử tri. Nhiều nội dung nổi cộm thuộc hai nhóm vấn đề: Hiệu quả giao đất dự án cho các nhà đầu tư; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đã được các đại biểu làm rõ từ thực trạng, nguyên nhân, đến lộ trình khắc phục.
Liên quan đến hiệu quả giao đất dự án cho nhà đầu tư, các đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Ngọc Duy, Cao Tiến Đoan, Lê Hữu Quyền, Lê Thị Hương đã dành cho các thành viên UBND tỉnh liên quan nhiều câu hỏi về: Nguyên nhân, giải pháp xử lý tình trạng chậm triển khai dự án, gây lãng phí nguồn lực hay vì sao chưa thu hồi hơn 100 dự án trên địa bàn? Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, trên địa bàn tỉnh có hay không hiện tượng nhà đầu tư đăng ký dự án nhưng không triển khai mà chuyển nhượng lại để hưởng lợi, hay nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh, kiểm tra các dự án còn thấp...
Trước những câu hỏi có phần “gai góc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã thể hiện thái độ cầu thị và đưa ra các giải pháp cương quyết, mạnh mẽ để khắc phục tình trạng chậm triển khai dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai và tháo gỡ những “điểm nghẽn” liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh sẽ rà soát để nắm bắt thực trạng và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp chuyển nhượng dự án trái quy định.
Liên quan đến nhóm vấn đề về giáo dục, các đại biểu Lê Thị Như Hoa, Phạm Kim Tân, Cầm Bá Chái, Lê Thị Thu Hiền, Hàn Văn Hải, Lê Văn Châu, Thao Thị Dua đã tập trung chất vấn về: Thực trạng tỷ lệ đạt trường chuẩn quốc gia của tỉnh cao nhưng chất lượng giáo dục đại trà lại thấp; giải pháp thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi; nguyên nhân và hướng khắc phục việc tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan...
Trước những chất vấn và truy vấn liên tục của đại biểu, phần trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức được nhiều cử tri đánh giá là cơ bản đáp ứng yêu cầu. Xuyên suốt phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp đã điều hành linh hoạt, khoa học, có sự gợi mở, định hướng, dẫn dắt để nội dung chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm, đi đến cùng vấn đề.
Tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, các đại biểu HĐND tỉnh phải luôn lắng nghe ý kiến của người dân; coi vấn đề của doanh nghiệp là vấn đề của chính mình để nhận diện và kiến nghị giải pháp giải quyết thấu đáo. Trong mỗi phiên họp, các vấn đề đưa ra đều mang đậm hơi thở cuộc sống, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Bằng tất cả trí tuệ, trách nhiệm, sự công tâm, khách quan, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên một kỳ họp thành công, đáp ứng mong đợi của đông đảo cử tri, Nhân dân trên địa bàn.