Ngày 13/10/2022, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thanh tra tỉnh về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022. Cùng tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành 39 văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở ban ngành và các UBND cấp huyện thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, đồng thời kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong kỳ, nhiều văn bản đã được ban hành để chỉ đạo các ngành, các cấp tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất các chuyên đề về PCTN, tiêu cực. Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về công tác PCTN của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh đã ban hành 757 văn bản mới để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN; 50 văn bản sửa đổi, bổ sung để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả, toàn tỉnh đã tổ chức 370 lớp tuyên truyền về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực với 34.955 lượt người tham gia, số lượng đầu sách về pháp luật phòng chống tham nhũng là 17.983 tài liệu, vì vậy công tác PCTN, tiêu cực đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Toàn cảnh hội nghị tại Thanh tra tỉnh Thanh Hóa
Theo báo cáo, trong kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.453 người (gồm: 06 tháng cuối năm 2019: 278 người; năm 2020: 427 người; năm 2021: 537 người; 06 tháng đầu năm 2022: 211 người) nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hằng năm, 100% Cán bộ công chức đã kê khai, công khai đầy đủ theo quy định; cụ thể có 22.496 người đã thực hiện kê khai, lưu giữ tại cơ quan, tổ chức 22.496 bản; công khai theo hình thức niêm yết là 10.123 bản (chiếm 45%) và công khai theo hình thức công bố tại cuộc họp là 12.373 bản (chiếm 55%).
Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa
Từ ngày 01/7/2019 đến 31/7/2022, các tổ chức thanh tra trong tỉnh triển khai 1.017 cuộc thanh tra hành chính, trong đó: 830 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 187 cuộc thanh tra đột xuất. Kết quả thanh tra đã phát hiện sai phạm: 380.206,11 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 166.493,52 triệu đồng, kiến nghị khác 213.712,59 triệu đồng. Cũng trong kỳ, Thanh tra các sở ngành triển khai 1.996 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra 6.847 cá nhân và 4.478 tổ chức. Qua thanh tra phát hiện 1.820 cá nhân, 1.610 tổ chức có vi phạm, số tiền sai phạm 73.993,09 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 29.864,22 triệu đồng, kiến nghị khác 44.128,87 triệu đồng; ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.597quyết định, trong đó cá nhân 1.444, tổ chức 1.153, với số tiền xử phạt 16.291,69 triệu đồng.
Thành viên Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi tại buổi làm việc
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát và đơn vị đã làm rõ một số nội dung trong: việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; công tác kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng; công tác đánh giá triển khai ở cấp dưới và địa phương; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực...
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biều kết luận
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua của đơn vị nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Đồng chí nhấn mạnh: công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện; đề nghị trong thời gian tới đơn vị tiếp tục phát huy và tích cực tham mưu cho UBND tỉnh làm tốt hơn nữa công tác triển khai, thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức tham mưu trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần và trách nhiệm của từng cá nhân...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo HĐND trong kỳ họp tới.