Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thảo luận tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và cử tri, tôi xin được tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài. Tại Điều 28 dự thảo luật quy định về việc sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, theo đó Nhà nước sẽ thực hiện việc công nhận giá trị pháp lý cũng của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Tôi cho rằng quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu là tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt giá trị pháp lý. Tuy nhiên, cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử, bởi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Việc loại trừ với các giao dịch thương mại sẽ thúc đẩy giao thương xuyên biên giới, các bên có thể tự do lựa chọn bất kỳ hình thức chữ ký điện tử nào phù hợp với hoạt động của mình để thực hiện giao dịch. Các bên thương nhân đều là các bên tương đối bình đẳng về mặt pháp luật, do đó có thể tự thỏa thuận về vấn đề này. Ngược lại, quy định về việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài có thể gia tăng chi phí cho các bên, tạo rào cản cho giao dịch xuyên biên giới.

Việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện ở các cơ quan giải quyết tranh chấp nếu các bên có tranh chấp, trong đó có tranh chấp về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Cơ quan giải quyết tranh chấp nên dựa vào độ tin cậy của phương tiện điện tử để ra quyết định mà không cần các cơ quan nhà nước công nhận. Do vậy, đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng như sau, cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.

Thứ hai, về dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Điều 31 dự thảo bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, tuy nhiên quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định 52 sửa đổi Nghị định 85 của Chính phủ. Do vậy, đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử, đồng thời xác định rõ bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc việc ban hành, điều kiện kinh doanh, phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.

Thứ ba, về giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại khoản 3 Điều 40. Qua phản ánh của các cử tri và doanh nghiệp cho thấy, hiện nay tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước nhưng nhiều trường hợp cơ quan nhà nước từ chối tiếp nhận văn bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bàn giấy. Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hóa các dịch vụ công, thủ tục hành chính gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí là cơ hội cho những nhũng nhiễu, tiêu cực. Vấn đề nằm ở việc các cơ quan nhà nước có chấp nhận giao dịch điện tử hay không, thường được quy định ở pháp luật chuyên ngành nào, chuyên ngành do chính cơ quan đó soạn thảo, tốc độ chuyển biến rất chậm. Vì vậy, dự thảo cần có quy định đủ mạnh và rõ ràng về các giao dịch với các cơ quan nhà nước. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ. Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể, tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Thứ tư, về dữ liệu mở. Đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 44 theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Các ngoại lệ này phải được quy định trong nghị định hoặc là quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bởi hiện nay Luật Tiếp nhận thông tin đã quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi mà công dân được quyền tiếp cận, tức là quyền được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp thông tin. Một trong những hình thức công khai thông tin là hình thức điện tử trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Đây hoàn toàn có thể là nguồn dữ liệu phù hợp để mở. Do vậy, tôi cho rằng cần bổ sung quy định theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Ngoại lệ này cần phải được quy định trong các nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ như trên là phù hợp, giảm bớt các thủ tục cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở như dự thảo luật quy định.

Về xử lý vi phạm, tại khoản 8 Điều 6 quy định về nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử, nhưng dự thảo chưa có quy định cụ thể về các vi phạm và xử lý vi phạm. Tôi đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định hoặc các quy định dẫn chiếu cụ thể dẫn đến luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù liên quan đến việc ký kết và thực hiện giao dịch điện tử.

Thứ sáu, về công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử. Luật Giao dịch điện tử quy định về hợp đồng điện tử và trên thực tế, hợp đồng điện tử đã và đang được áp dụng để giao kết rộng rãi. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo chưa có quy định hướng dẫn các hoạt động này cho các loại hình hợp đồng điện tử, dẫn đến hạn chế trong các bên quá trình lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Đề nghị cần cân nhắc, xem xét bổ sung thêm các điều khoản, nguyên tắc về công chứng, chứng thực đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hoặc các văn bản liên quan đến công chứng.

Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.179.962
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 1.573
    Online: 178