Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 21/06/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian vừa qua đã được tổ chức lấy ý kiến rất công phu, nhiều ý kiến, nhiều nội dung xác đáng đã được chỉnh sửa, được tiếp thu. Để tiếp tục góp phần vào hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin phép được có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 60 có quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, trong đó có quy định là các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời. Đây là một quy định được quy định tại Nghị quyết số 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Tôi cho rằng quy định nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời như các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 là cần phải xem xét lại. Bởi vì, các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch được lập lần đầu, chúng ta lập quy hoạch tích hợp có rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về tiến độ không thể lập đúng theo trình tự nên mới phải lập đồng thời. Còn quy hoạch sử dụng đất thì từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 1987 chúng ta đã thực hiện tốt theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Cho nên, tôi đề nghị đối với lập quy hoạch sử dụng đất thì cũng nên thực hiện thêm một nguyên tắc, từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sau đó mới đến thu hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu chúng ta lập đồng thời thì sẽ rất khó có căn cứ để chúng ta phân bổ, sử dụng các loại đất.

Thứ hai, giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tại điểm b khoản 1 Điều 125 quy định cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Vấn đề này tôi đề nghị cần phải xem xét lại quy định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn công tác quản lý đất 5%. Bởi vì, khi chúng ta thực hiện việc giao đất ổn định lâu dài theo tinh thần Nghị định 64 thì quỹ đất 5% đất nông nghiệp ở cấp xã quy mô có khác nhau nhưng cơ bản quy mô rất nhỏ. Một số địa phương các xã cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp, tức là dưới hình thức giao khoán, thu tiền theo thời vụ, theo năm, nhiều nơi một số diện tích đất 5% còn bị bỏ hoang. Việc đấu thầu đất 5% ở xã để cho thuê là rất khó khăn, vì quỹ đất 5% quy mô ở nhiều xã diện tích nhỏ, nằm phân tán nhiều cánh đồng, giao thông nội đồng thì không thuận lợi, một bộ phận người dân không tha thiết với sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, quỹ đất 5% sau gần 30 năm chúng ta sử dụng đã có một phần chuyển sang mục đích khác nên diện tích còn lại cũng không nhiều và vẫn nằm phân tán. Nên quy định phải đấu thầu để cho thuê theo tôi cần phải cân nhắc thêm. Vì vậy, tôi đề nghị nên đưa quỹ đất 5% vào hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để khuyến khích người dân tham gia sản xuất, tránh tình trạng bỏ hoang như hiện nay ở một số địa phương.

Thứ ba, đề nghị bổ sung Điều 126 về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với phần diện tích đất do nhà nước quản lý trong các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án thu hồi đất theo trường hợp nhà nước thu hồi đất có diện tích của nhà nước trong khu vực thực hiện dự án và đất chưa giải phóng mặt bằng, không phải thực hiện các thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là vấn đề có nhiều vướng mắc tại các địa phương, đặc biệt là trình tự thủ tục kéo dài. Vì vậy, cần phải xem xét quy định để tháo gỡ vấn đề này.

Thứ tư, về phương pháp định giá đất. Dự thảo tại Điều 158 quy định 4 phương pháp, tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, chúng ta cần phải cụ thể hóa hơn nữa ngay trong luật về nội hàm cũng như điều kiện trường hợp áp dụng một phương pháp hay nhiều phương pháp để có sự thống nhất, tránh tình trạng áp dụng phương pháp định giá đất một cách tùy tiện, làm thất thoát tiền sử dụng đất của nhà nước.

Bên cạnh 4 phương pháp định giá đất như dự thảo, tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm phương pháp để định giá đất trong trường hợp giá đất trong tương lai sẽ cao hơn giá đất thời điểm định giá nếu như vùng đó có quy hoạch, chuẩn bị đầu tư kết cấu hạ tầng hay tương lai chuẩn bị có nhà đầu tư gần khu vực đó thì thường giá đất sẽ tăng rất cao, đây là vấn đề thực tế ở nhiều nơi. Đề nghị cần nghiên cứu để quy định về phương pháp xác định giá đất trong trường hợp này. Việc quy định áp dụng bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá đất quy định tại Điều 5 khoản 5 điều này thì cơ quan quyết định giao đất theo kết quả xác định giá đất có lợi cho ngân sách nhà nước. Tôi đề nghị cần xem xét, cân nhắc kỹ thêm vì chỉ có lợi ích cho ngân sách nhà nước mà không quan tâm đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp thì giá đất rất khó có thể được người dân hoặc là doanh nghiệp chấp nhận. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải áp dụng phương pháp định giá đất ngoài việc chúng ta phải tuân theo nguyên tắc thị trường thì cần phải tính đến hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 161 về Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện phải có tối thiểu 50% số thành viên là định giá viên hoặc thẩm định viên về giá đất. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại quy định này bởi vì hoạt động của Hội đồng thẩm định giá làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Nếu quy định như trên thì Hội đồng thẩm định giá làm việc sẽ rất khó, phụ thuộc vào rất nhiều định giá viên, thẩm định viên, liệu kết quả thẩm định có khách quan hay không? Trên thực tế cũng không có nhiều thẩm định viên, định giá viên để mời tham gia Hội đồng thẩm định giá các cấp. Nếu quy định như vậy sẽ làm khó cho các địa phương, nhiều nơi sẽ không thành lập được Hội đồng thẩm định giá. Vì vậy, tôi đề nghị trong Hội đồng thẩm định giá, ngoài quy định các thành phần của các cơ quan chức năng thì chỉ cần mời thêm đại diện của đơn vị tư vấn, mời thêm thành phần thẩm định giá viên hoặc định giá viên về giá tham dự.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.178.345
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 4.541
    Online: 44