Giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn các huyện miền núi giai đoạn 2018 - 2022, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, Sở nghiên cứu thực hiện các khu tái định cư (TĐC) theo hình thức xen ghép, liền kề rồi mới đến thực hiện các dự án TĐC tập trung. Bên cạnh đó, nghiên cứu các hạng mục phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư theo quy định, nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho Nhân dân.

Gắn di dân với phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường cho biết: giai đoạn 2018 - 2020, bám sát mục tiêu, nội dung Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực tiễn địa phương, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt danh sách và phân bổ kinh phí của Trung ương hỗ trợ 229 hộ dân TĐC xen ghép và ổn định tại chỗ vùng bị ảnh hưởng thiên tai thực hiện di chuyển đến nơi ở mới an toàn với số tiền  9.057,7 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân là 4.660 triệu đồng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương tiếp nhận là 4.397,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng Đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để sắp xếp ổn định cho 2.846 hộ dân trong vùng ảnh hưởng thiên tai theo hướng bền vững.


Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh

Giai đoạn 2021 - 2022, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 01.12.2021 của UBND tỉnh đã bố trí 296 hộ dân đến nơi ở mới an toàn; trong đó, TĐC xen ghép là 145 hộ, TĐC tập trung 151 hộ/4 khu. Đến nay, kết cấu hạ tầng tại các vùng dân đến định cư từng bước được đầu tư và hoàn chỉnh, giao thông đi lại giữa các vùng tương đối thuận lợi; trường học, trạm xá đã cơ bản được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học hành và khám chữa bệnh cho Nhân dân; một số công trình thuỷ lợi đầu mối được đầu tư đã phát huy hiệu quả, giúp cho đồng bào yên tâm sản xuất và định cư tại nơi ở mới. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển tương đối toàn diện theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.

Theo đánh giá của đại diện các sở, ngành và thành viên Đoàn giám sát, nét nổi bật trong chương trình bố trí, sắp xếp dân cư gia đoạn 2018 - 2022 trên địa bàn là đã gắn di dân với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; điều chỉnh, kết cấu lại các điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi cộng đồng. Từ đó, bảo đảm việc đầu tư cơ sở hạ tầng được thuận lợi và tiết kiệm, nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh tại các địa phương. Đời sống các hộ dân dần được ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy; diện tích rừng được khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy sức mạnh quốc phòng toàn dân trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ưu tiên thực hiện các khu tái định cư xen ghép, liền kề

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng phản ánh đến Đoàn giám sát một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các khu TĐC tập trung, TĐC liền kề. Trong đó, quá trình thẩm định một số dự án vẫn chưa bảo đảm do các huyện chưa cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và chưa được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã; tiến độ triển khai thực hiện của các dự án còn chậm, đến nay một số dự án vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư; việc rà soát và phê duyệt danh sách các hộ dân đã thực hiện di dời đến nơi ở mới để bảo đảm điều kiện hỗ trợ còn chậm; khả năng bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới rất khó khăn. Hiện tại, các huyện không còn vùng đất hoang hóa, đất đã được giao cho các hộ gia đình sản xuất lâu dài nên việc bố trí đất để đầu tư dự án cần chi phí bồi thường cao và ảnh hưởng đến đời sống của người dân sở tại. Mặt khác, việc bố trí thực hiện các hạng mục phòng cháy, chữa cháy theo quy định rất khó khăn. 

Để khắc phục những bất cập, khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Thông tư quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư thay thế Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT ngày 27.4.2015. UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ các hộ dân đầu tư, phát triển sản xuất.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các ngành và UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời đề nghị, Sở nghiên cứu thực hiện các khu TĐC cho các hộ vùng thiên tai theo hình thức xen ghép, liền kề rồi mới đến thực hiện các dự án TĐC tập trung. Cùng với đó, nghiên cứu các hạng mục phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư theo quy định và làm rõ tính khả thi của hệ thống cấp nước sinh hoạt và cấp nước cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với các địa phương rà roát lại khu, điểm có thể làm xen ghép, liền kề, hạn chế đến mức thấp nhất xây dựng các khu TĐC mới.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    485 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.856.323
    Trong năm: 1.190.401
    Trong tháng: 140.228
    Trong tuần: 33.639
    Trong ngày: 1.623
    Online: 59