Ngày 29 tháng 3 năm 2024, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023 tại huyện Như Thanh, Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng tham dự có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Thường trực HĐND huyện.
Trước khi làm việc với huyện, Đoàn đi khảo sát thực tế tại dự án nâng cấp, cải tạo Đường giao thông từ thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc đi thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ và các khu tái định cư phục vụ cho dự án giao thông Vạn Thiện đi Bến En.
Theo báo cáo tại buổi giám sát, từ năm 2021 đến năm 2023, huyện Như Thanh được Trung ương giao 60.608 triệu đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 1719). Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình nên cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, huy động các tầng lớp Nhân dân chung sức tham gia, tạo thành các phong trào sâu rộng, thiết thực, có hiệu quả.
Trong đó, huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời nâng cao vai trò chủ thể của người dân và trao quyền chủ động nhiều hơn cho cơ sở. Thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư với các chương trình mục tiêu quốc gia khác cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...
Đến nay huyện đã giải ngân được 47.682 triệu đồng, đạt 78,67% số vốn được phân bổ. Trong đó vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 34.089 triệu đồng (đạt 94,87%) và giải ngân vốn sự nghiệp 13.593 triệu đồng (đạt 55,08%).
Chương trình 1719 đã phát huy hiệu quả, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh. Trong 03 năm thực hiện Chương trình, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện năm 2021 là 35,57 triệu đồng/người/năm, năm 2023 tăng lên 43,45 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa được phát triển toàn diện; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình 1719, huyện Như Thanh còn gặp một số khó khăn, như: văn bản hướng dẫn thực hiện một số dự án, tiểu dự án còn chưa đầy đủ, chậm được ban hành, chưa đồng bộ.
Trong khi đó, một số nội dung dự án, tiểu dự án trùng lặp tên, nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nên quá trình tổ chức thực hiện còn có sự hiểu nhầm, dễ dẫn đến việc chồng lấn về đối tượng, địa bàn thực hiện.
Từ thực tiễn, huyện Như Thanh kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện là cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để được sửa chữa, mua sắm thiết bị (vì hiện nay 30% kinh phí được cấp không thực hiện được).
Phát biểu tại buổi giám sát, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đánh giá cao huyện Như Thanh trong triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở nhiều dự án, tiểu dự án. Trong đó, có việc phát triển tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán, giáo viên, nhân viên ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú; công tác vận động xóa mù chữ...
Đi sâu phân tích một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình, nhiều đại biểu đề nghị huyện Như Thanh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND đã đánh giá cao kết quả đạt được của huyện Như Thanh trong triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2023. Đồng thời khẳng định kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị trong huyện đã tích cực, chủ động có những cách làm bài bản, đồng bộ, huy động sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện cần tập trung, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân tổ chức thực hiện Chương trình 1719 đạt hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; quan tâm đến khâu chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án, thực hiện bài bản, khoa học Chương trình 1719 ngay từ bước thủ tục triển khai, đồng thời khẩn trương thực hiện việc thanh quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành...
Các ý kiến, kiến nghị của huyện Như Thanh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp thu đưa vào Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023, trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh./.