(1) Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ giáo viên tại các xã miền núi. (2) Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nhà công vụ cho các cơ sở giáo dục tại các huyện miền núi. (3) Đề nghị nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và chạy điểm của các nhà trường. (4)Quan tâm việc nhiều trường đại học nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân; điều chỉnh liệu trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí. (5)Tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đội ngũ giáo viên. (6) Sớm ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn về trường học thông minh, thực hiện hồ sơ điện tử thống nhất cho các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước.

Ngày 17/01/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 220/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Về đề nghị Bộ GDĐT tham mưu trình Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ giáo viên tại các xã miền núi.

Bộ GDĐT tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới Bộ GDĐT nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.

2. Về quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nhà công vụ cho các cơ sở giáo dục tại các huyện miền núi

Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục, theo phân cấp của Chính phủ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 105 Luật Giáo dục số 43/2013/QH14 ngày 14/6/2019.

Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH13 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung bạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, cụ thể mức vốn cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã phê duyệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương bao gồm: Tổng số vốn ngân sách địa phương, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung trong từng dự án của địa phương. Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, theo đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; bảo đảm tối thiểu 20% chi ngân sách địa phương cho giáo dục đào tạo; thực hiện phân bổ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bộ GDĐT đã có các cuộc làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thiếu đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, đồng thời đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tới các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh còn khó khăn, để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

3. Về đề nghị nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường

Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như sau:

“a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

 b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh

Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2012/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ GDĐT (Điều 6 quy định về phương thức tuyển sinh) đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GDĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.

4. Về quan tâm việc nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân; điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phi đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2021 – 2022. Theo đó mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid. Từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí điều chỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 và ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023. Theo đó giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021 - 2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống,

5. Về tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đội ngũ giáo viên.

Hằng năm, Bộ GDĐT đều có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó các địa phương phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên nhằm tăng cường năng lực sử dụng sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong những năm tiếp theo của lộ trình. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 6. Về việc sớm ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn về trường học thông minh, thực hiện hồ sơ điện tử thống nhất cho các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nuớc

6.1. Đối với nội dung “Sớm ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn về trường học thông minh"

Ngày 21/12/2018, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 5807/CNTT về hướng dẫn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường phổ thông (gồm mức cơ bản và mức nâng cao), đây là cơ sở để các cấp quản lý và cơ sở giáo dục làm căn cứ triển khai ứng dụng CNTT và các mô hình dạy học, quản trị tiên tiến áp dụng công nghệ (hay thường gọi là “trường học thông minh").

Ngoài ra, để triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục có hiệu quả, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT trong cơ sở giáo dục phổ thông như: Quy định về dạy học trực tuyến, quy định về quản lý và triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Hàng năm, Bộ GDĐT đều có văn bản hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn liên quan về “trường học thông minh”.

Hiện nay, Bộ GDĐT chuẩn bị ban hành bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục và hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy chế về giáo dục đào tạo số làm cơ sở thúc đẩy triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong đó có các giải pháp về “trường học thông minh” có hiệu quả.

6.2. Đối với nội dung “Thực hiện hồ sơ điện tử thống nhất cho các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước".

Áp dụng hồ sơ điện tử trong cơ sở giáo dục là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành Giáo dục nhằm tăng cường cải cách hành chính. Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã quan tâm và ban hành các quy định và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ này như sau: Cho phép hồ sơ điện tử được sử dụng thay thế cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Về sổ điểm điện tử, học bạ điện tử: Bộ GDĐT có các văn bản hướng dẫn, khuyến khích triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử với 2 mức độ: Không sử dụng chữ ký số (bản PDF) và sử dụng chữ ký số để xác thực hồ sơ điện tử.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT đã chỉ đạo ban hành quy định sử dụng số điểm điện tử trong các trường trên địa bàn. Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng quy chế sử dụng sổ điểm điện tử trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên, quy trình nhập điểm, chỉnh sửa điểm, in ấn (có ký số) và lưu trữ, bảo quản bản điện tử./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.286.578
    Trong năm: 978.574
    Trong tháng: 90.305
    Trong tuần: 22.433
    Trong ngày: 1.351
    Online: 89