Ngày 17/01/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Văn bản số 219/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
I. Nội dung kiến nghị 1
Đề nghị Chính phủ, xem xét, tăng các mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và Trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; bổ sung các chính sách hỗ trợ tiền khám chữa bệnh, mua thuốc, dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ phục vụ sinh hoạt văn hóa; hỗ trợ tiền nước và điện sinh hoạt hằng tháng cho học sinh bán trú.
Cử tri huyện Quan Sơn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các xã miền núi, các xã biên giới (không nhất thiết phải là vùng đặc biệt khó khăn) để đảm bảo được tính ổn định, đưa giáo dục miền núi ngày càng phát triển tiến gần với miền xuôi.
Trả lời:
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GDĐT tham mưu xây dựng Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT ban hành quy định một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học).
Bộ GDĐT tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong quá trình soạn thảo, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách để phù hợp với thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.
II. Nội dung kiến nghị 2
Đề nghị Bộ GDĐT khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.
Trả lời
Căn cứ ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân trong thời gian đăng tải dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT lên Cổng Thông tin điện tử (60 ngày, từ ngày 20/5/2022 đến ngày 20/7/2022), Bộ GDĐT đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Thông tư và được Bộ Nội vụ thống nhất với nội dung quy định tại Dự thảo. Hiện tại, Bộ GDĐT đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và thực hiện các thủ tục để ban hành theo quy định. Để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, Bộ GDĐT đề nghị cử tri kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của địa phương tiếp tục triển khai thực hiện bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, cụ thể:
- Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 gửi các Sở GDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT;
- Công văn số 5392/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 23/11/2021 gửi các Sở GDĐT đề nghị cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên;
- Công văn số 336/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 27/01/2022 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Trường hợp còn vướng mắc thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp giáo viên đang được xếp cho đến khi có hướng dẫn mới tại Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT.
III. Nội dung kiến nghị 3
Đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu xem xét, sửa đổi Thông tư số 01/2016/TT- BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, đến nay đã bộc lộ những hạn chế như: Quy định đối tượng tuyển sinh là những học sinh dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Trả lời
Thực hiện Quyết định số 4929/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành Chương trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyết định cá biệt của Bộ GDĐT năm 2022, Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ GDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
Trong thời gian từ ngày 22/7/2022 đến ngày 22/9/2022, dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ GDĐT để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bộ GDĐT đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý dự thảo Thông tư của tổ chức và cá nhân gửi về. Theo đó, nội dung liên quan đến đối tượng, địa bàn tuyển sinh vào học trường phổ thông dân tộc nội trú được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
“1. Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú (từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh) tại:
a) Xã, phường, thị trấn khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền.
b) Xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền "
Như vậy, kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa đã được tiếp thu trong dự thảo Thông tư./.