Trong 02 ngày 01 và 02/10, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Tuấn Tưởng, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã giám sát công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo tại các huyện Thường Xuân và Thọ Xuân giai đoạn 2020 - 2022. Tham gia cùng Đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Thường Xuân

Tại huyện Thường Xuân, giai đoạn 2018 - 2022, doanh số giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 425,8 tỷ đồng, với 9.661 lượt khách hàng được vay vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt trên 12%, mức dư nợ bình  quân/hộ vay tăng từ 36,8 triệu đồng/hộ năm 2019 lên 49,4 triệu đồng/hộ năm 2022, góp phần giải quyết cho hơn 7.100 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tạo sinh kế và việc làm, giúp cho hơn 170 lao động vay vốn đi làm việc tại thị trường ngoài nước, 86 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải nghỉ học do không trang trải đủ chi phí học tập. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện phân bổ, triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách, các kế hoạch nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 526.958 triệu đồng. Các hộ vay chủ yếu sử dụng vốn vay để chăn nuôi trâu, bò sinh sản, mua sắm các máy móc nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đoàn giám sát kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay chương trình giải quyết việc làm tại hộ ông Hoàng Hữu Hiền, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân

Theo báo cáo của huyện Thọ Xuân, đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 565 tỷ đồng với 11.400 khách hàng đang còn dư nợ, tăng gần 125 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Dư nợ bình quân đạt 49,5 triệu đồng/hộ. Trong giai đoạn 2020 - 2022, thông qua vốn tín dụng CSXH đã giúp cho 5.410 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết tạo việc làm cho 567 lao động, giúp 316 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập, giúp 3.972 hộ gia đình xây dựng được 7.944 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 344 hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Thọ Xuân

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động tín dụng CSXH tại các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương trong hoạt động tín dụng CSXH còn thấp. Nguồn vốn chủ yếu là nguồn vốn từ trung ương chuyển về, dẫn tới chưa chủ động và linh hoạt trong các hoạt động tín dụng CSXH. Ban giảm nghèo cấp xã một số nơi chưa tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã trong việc chỉ đạo trưởng thôn, khu phố, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn trong công tác bình xét cho vay, nên chưa phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn; chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nên còn nhiều hạn chế. Hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã một số nơi chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát còn chậm và mang tính hình thức; chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra sử dụng vốn vay sau cho vay và việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn nhất là nợ đến hạn định kỳ, nợ quá hạn; chưa làm tốt công tác tuyên truyền về huy động tiền gửi dân cư tại điểm giao dịch xã cố định hằng tháng.

Đoàn giám sát kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay chương trình hộ nghèo tại gia đình bà Lê Thị Đàn, thôn Ba Ngọc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân

Tại các buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ thêm kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả huy động và hỗ trợ thêm nguồn vốn để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Kết luận tại các buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Tuấn Tưởng, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cũng như kết quả thực hiện các chính sách tín dụng xã hội giai đoạn 2020 - 2022 tại các địa phương. Đồng chí đề nghị các huyện Thường Xuân và Thọ Xuân tiếp tục tuyên truyền để bà con nắm bắt kịp thời các chương trình tín dụng, các chế độ chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các nghĩa vụ của người dân khi tham gia vay vốn đối với Ngân hàng CSXH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân. Ngân hàng CSXH các huyện thường xuyên nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời những khó khăn phát sinh tại cơ sở, đồng thời báo cáo những vấn đề phát sinh, tham mưu kịp thời cho Ban đại diện HĐQT có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

Đoàn giám sát kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay tín dụng CSXH tại hộ gia đình ông Hoàng Văn Chung, thôn Trung Thôn, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các huyện, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2023.

Trước khi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các huyện, đoàn công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách của một số hộ dân tại xã Bình Lương, huyện Thường Xuân; xã Xuân Phú, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    377 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.407.682
    Trong năm: 998.991
    Trong tháng: 92.843
    Trong tuần: 25.578
    Trong ngày: 242
    Online: 43