Cử tri đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm như: Sự xuất hiện một số loại ma túy mới ảnh hưởng đến học sinh, thanh thiếu niên, vấn đề an ninh mạng, hoạt động "tín dụng đen" với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật; tình trạng mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật, để đánh cắp thông tin tài khoản và chiếm đoạt tài sản xảy ra ở nhiều địa phương. Tội phạm tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng. Các trò chơi đổi thưởng, đánh bạc trá hình, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo tiếp tục diễn biến phức tạp... ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân”

Ngày 18/01/2024, Bộ Công an đã có Văn bản số 206/BCA-VO1 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

Trong thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đạt được kết quả tích cực (Năm 2023, đã phát hiện, xử lý hơn 44.700 vụ, hơn 86.900 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội và hơn 27.300 vụ, hơn 42.900 phạm tội về ma túy. Trong đó, hơn 7.100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 3.200 vụ lừa đảo trên không gian mạng); hơn 900 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (hơn 35 vụ cho vay lãi nặng trên không gian mạng); hơn 5.600 vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc (hơn 500 vụ đánh bạc trên không gian mạng); hơn 17.000 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy; hơn 7.400 vụ mua bán trái phép chất ma túy; hơn 2.300 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy...). Tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm cờ bạc, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm về ma túy... nhất là trên không gian mạng dự báo diễn ra phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau như cử tri phản ánh.

Thời gian tới, để chủ động nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm cờ bạc, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm về ma túy...; ngoài các giải pháp của Bộ Công an cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của mỗi người dân, nhất là trong công tác phòng ngừa. Do đó, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tham mưu với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 138/CP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các Chương trình, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống tội phạm lừa đảo, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc...; qua đó huy động, phối hợp lực lượng chức năng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.

2. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp... nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng, trên các trang mạng xã hội (đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm cờ bạc, tội phạm "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tội phạm sử dụng công nghệ cao trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội, tội phạm ma túy, cách thức nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị pha trộn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; quản lý, giáo dục con em trong gia đình, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên không phạm tội và tệ nạn xã hội.

3. Phối hợp các ngành nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú; quản lý an ninh mạng, hạn chế tác động tiêu cực đến thanh thiếu niên. Phối hợp trong đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ "SIM rác”, xác thực tài khoản Ngân hàng; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm.

4. Phối hợp các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự đã ký kết giữa Bộ Công an với các Ban, Bộ, ngành, địa phương.

5. Lực lượng Công an chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm, có tiền án, tiền sự, có nguy cơ cao phạm tội, vi phạm pháp luật; đồng thời, thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm cờ bạc, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm về ma túy, tội phạm trong thanh, thiếu niên, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Phối hợp với lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường và các lực lượng có liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam đề phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án; phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    406 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.803.836
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.680
    Online: 97