Ngày 12/01/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 349/BKHĐT-TH về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

Câu 1: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định "2. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này thực hiện tại Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư”; việc quy định này chưa rõ ràng về cấp độ quy hoạch, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định trên theo hướng ghi rõ cấp độ quy hoạch hoặc giao Chính phủ hướng dẫn nội dung trên.

Trả lời:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26, điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, phương hướng xây dựng hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là một trong các nội dung của quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là nội dung trong quy hoạch tỉnh.

Do vậy, việc xác định sự phù hợp của các dự án đầu tư thực hiện trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan.

Câu 2: Tại Điều 37 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định, trong trường hợp dự án đầu tư nước ngoài thuộc các trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại các điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư năm 2020 thì ngoài Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, doanh nghiệp nước ngoài còn phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dẫn đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hồ sơ, giấy tờ về việc cho phép doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét bãi bỏ quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bổ sung quy định các dự án đầu tư nước ngoài phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trả lời:

1. Về việc đề xuất bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.

- Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư quy định Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

- Điều 37 Luật Đầu tư quy định các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Điều 40 Luật Đầu tư quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo quy định nêu trên Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hai văn bản có nội dung không trùng lặp được quy định tại mẫu A.II.1 và Mẫu A.II.8 (Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư thì đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và doanh nghiệp không phải nộp thêm bất cứ tài liệu hồ sơ, giấy tờ gì.

Do đó, đề nghị giữ nguyên quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

2. Về việc bổ sung quy định các dự án đầu tư nước ngoài phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho các dự án đầu tư bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Do đó, không cần quy định bổ sung như đề xuất.

Câu 3: Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 quy định về lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bao gồm: "a) Giao thông vận tải; b) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; c) Thủy lợi, cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; d) Y tế; giáo dục - đào tạo; đ) Hạ tầng công nghệ thông tin". Tuy nhiên, ngoài 05 lĩnh vực nêu trên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số lĩnh vực (như: văn hóa, thể thao, cấp nước, xử lý nước thải...) cần sự tham gia của nguồn vốn xã hội hóa trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, bổ sung các lĩnh vực trên vào khoản 1, Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trả lời:

Để tháo gỡ vướng mắc này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó “Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa”. Do đó, để có cơ sở thực tiễn đánh giá thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa theo Nghị quyết nêu trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát đánh giá tình hình thực hiện quy định này đối với các lĩnh vực khác để nghiên cứu phương án đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 4 Luật PPP.

Câu 4: Đề nghị trình Chính phủ xem xét bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; giao các địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa 02 vụ trở lên đảm bảo theo quy định của pháp luật, chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương và quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời:

Một trong những vấn để tồn tại, hạn chế đặt ra là việc sử dụng đất trồng lúa, nhất là tại khu vực đồng bằng để phát triển khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế phần nào gây ra một số tác động tiêu cực đến nông thôn và người nông dân.

Để tránh việc chuyển đổi cùng lúc diện tích lớn đất trồng lúa năng suất cao, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực cũng như chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định để làm rõ nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên (tại khoản 2 Điều 9). Theo đó, khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích trên hạn mức cụ thể là: 200 ha đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, 150 ha đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ và 100 ha đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thì phải được đầu tư theo các giai đoạn. Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên trong phạm vi khu công nghiệp theo mỗi giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư tối đa không quá hạn mức nêu trên.

Các nội dung trên được xây dựng đồng bộ với quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai, điểm 5 Mục 3 Phần II Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Câu 5: Theo quy định tại khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế thì điều kiện để xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là “Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60%"; điều kiện để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đối với khu công nghiệp mở rộng là: “Khu công nghiệp đã hình thành trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%". Tuy nhiên, do thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng 01 khu công nghiệp sẽ mất khoảng 3-4 năm, chưa bao gồm thời gian thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích đất công nghiệp, nếu áp dụng điều kiện để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thì rất khó khăn cho các địa phương trong việc thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Đề nghị trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định nêu trên theo hướng không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khi quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư hoặc mở rộng hạ tầng các khu công nghiệp.

Trả lời:

Yêu cầu về việc đáp ứng tỷ lệ lấp đầy 60% khi xem xét, bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu công nghiệp được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu về điểm hòa vốn của dự án hạ tầng khu công nghiệp và đây là một trong trong các điều kiện quan trọng nhằm hạn chế tình trạng đầu tư khu công nghiệp tràn lan, sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Tính đến tháng 4/2023, lũy kế tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các khu công nghiệp trên cả nước khoảng 87,7 nghìn ha, trong đó đã cho thuê khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 57%; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại của các khu công nghiệp để tiếp nhận nhà đầu tư mới khoảng 37,9 nghìn ha. Như vậy, quỹ đất công nghiệp còn lại của các khu công nghiệp vẫn có thể đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Các địa phương cần thúc đẩy tiến độ đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp đã được thành lập.

Để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy việc thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã quy định về tỷ lệ lấp đầy đối với các khu công nghiệp để kiểm soát việc thành lập/mở rộng các khu công nghiệp và bổ sung quy định không bắt buộc áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy trong một số trường hợp: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dưới 1.000 ha; (ii) khu công nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc trong khu kinh tế đã được thành lập; (iii) khu công nghiệp hoạt động theo các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao.

Câu 6: Đề nghị trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ từ 60% tổng kinh phí thực hiện 01 dự án lên 80% tổng kinh phí đối với các xã ở các huyện miền núi không thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Trả lời:

- Tại khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (đã được sửa đổi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ) quy định: Hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ quan phê duyệt dự án, phương án quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án, phương án, nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu thực hiện.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền khi có chủ trương sửa quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    387 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.606.949
    Trong năm: 1.065.653
    Trong tháng: 130.880
    Trong tuần: 32.258
    Trong ngày: 2.359
    Online: 61