Ngày 06/02/2024, Bộ Công thương đã có Văn bản số 838/BCT-KHTC về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành hiện nay, như: Quy định về giá mua, bán điện; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các loại nguồn điện đầu tư ngoài ngân sách; cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa nguồn điện từ năng lượng tái tạo...

2. Đề nghị sớm trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để các địa phương triển khai thực hiện; ưu tiên quy hoạch các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo đối với Thanh Hóa vào trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII như: các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị.

3. Đề nghị tăng thời gian áp dụng biểu giá bán lẻ điện cho khu vực nông thôn sang khu vực thị trấn hoặc khu vực thị trấn sang khu vực thành phố theo quy định Thông tư số 16/2014/TT-BCT lên từ 12 tháng thành 36 tháng; tăng khoảng cách giữa giá mua buôn điện với giá bán lẻ điện đặc biệt là giữa giá bán buôn điện và bán lẻ cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt.

4. Đề nghị thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung cầu, ổn định giá lúa, gạo trong nước có nhiều biến động, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia, bên cạnh đó, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo để tăng lợi nhuận cho người nông dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, gây mất ổn định thị trường, thương hiệu của gạo Việt Nam.

Bộ Công Thương xin trả lời như sau:

Nội dung 1

Ngày 01 tháng 12 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 203/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023, trong đó, tại mục 3 về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 06 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm: (1) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo m an ninh năng lượng cho đất nước; (2) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; (3) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; (4) Quản lý hoạt động mua bản điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; (5) Quản lý, vận hành hệ thống điện, chủ trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (6) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Ngày 06 tháng 12 năm 2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8731/BCT-ĐTĐL gửi Bộ Tư pháp về việc đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp hồ sơ và lập đề nghị của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.

Theo đó, các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá và dự kiến xem xét để xây dựng quy định tại Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) khi Quốc hội giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật trong thời gian tới.

Nội dung 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các địa phương về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ngày 15/12/2023. Ngày 22/12/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 536/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nội dung 3

Kiến nghị của cử tri thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 7 Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá việc thực hiện quy định.

Nội dung 4

Để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp sau:

Về thể chế, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát và đang trong quá trình hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Về công tác tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, Bộ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Trong đó, tập trung kết hợp linh hoạt, hiệu quả các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ...).

Để đảm bảo cung cầu, ổn định giá lúa, gạo trong nước có nhiều biến động, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường thóc gạo nội địa; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những giải pháp chủ động, đồng bộ của Bộ Công thương, các Bộ, ngành, địa phương

liên quan, kết quả xuất khẩu gạo trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, cụ thể sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của Việt Nam đã đạt 7,64 triệu tấn, với giá trị kim ngạch 4,34 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và 34,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.178.565
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 176
    Online: 66