Kết quả giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh không có gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.

Đời sống người có công và thân nhân được nâng cao

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 350.377 người có công với cách mạng, trong đó 66.823 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 1.800 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách đối với người có công, là cơ sở để các ngành chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chế độ chính sách được triển khai kịp thời, đầy đủ, từng bước nâng cao đời sống gia đình người có công.

Cùng với thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp và các địa phương đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, việc huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực. Giai đoạn 2021 - 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh đã vận động được số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh đã hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà đối với người có công; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tiền mặt cho người có công với cách mạng gặp khó khăn trong đời sống.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Trần Hằng
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Trần Hằng

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng khẳng định, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được nâng cao; đến nay, toàn tỉnh không có gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, có trên 99,8% hộ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.

Sớm sửa đổi, bổ sung pháp lệnh, nghị định 

Bên cạnh những kết quả tích cực, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách cho người có công. Trong đó, một số văn bản của Trung ương chưa phù hợp với thực tế, như: Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9.12.2020 về ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24.7.2021; Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21.7.2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24.7.2021 của Chính phủ. Đối tượng chính sách có nhiều mức trợ cấp gây khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chưa hướng dẫn để UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã. Điều này gây khó khăn cho việc sử dụng quỹ để hỗ trợ trực tiếp cho người có công, thân nhân người có công và hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.

Khắc phục những tồn tại trên, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung pháp lệnh, các nghị định trong thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng để phù hợp với yêu cầu thực tế; đồng thời, ban hành Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hướng dẫn để UBND cấp huyện, xã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã.

Đối với UBND tỉnh, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng, tập trung chăm lo điều kiện vật chất và tinh thần cho người có công theo đúng quy định. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ để bảo đảm sau khi đầu tư các công trình phát huy hiệu quả sử dụng, bảo đảm trang nghiêm, khang trang, sạch đẹp.

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng nhấn mạnh: cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định việc quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; ông bày tỏ sự tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn để chăm lo đời sống của người có công và thân nhân, phát huy hơn nữa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cao đẹp của dân tộc.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.691
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.907
    Online: 94