Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương[1], HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ, họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo yêu cầu công việc[2]. Có thể nói, kỳ họp HĐND là một trong những hình thức hoạt động cơ bản, chủ yếu của HĐND. Chính vì vậy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND có ý nghĩa rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, qua đó phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND theo quy định của pháp luật.

Vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND các cấp đã được đề cập một cách toàn diện, đầy đủ, chi tiết ở các tài liệu, bài giảng của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quản lý cũng như qua rất nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu tại các cuộc hội thảo, hội nghị. Tiếp cận các nguồn tài liệu này và từ thực tiễn hoạt động của HĐND huyện Thiệu Hóa, chúng tôi nhận thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp của HĐND, như: Tính cụ thể, rõ ràng trong kế hoạch, mục tiêu, yêu cầu của các kỳ họp; công tác chuẩn bị nội dung, điều kiện phục vụ kỳ họp; hình thức tổ chức; bố trí chương trình và kỹ năng điều hành chương trình làm việc của kỳ họp; ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực của Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND và các cơ quan liên quan; sự tham mưu, giúp việc của đội ngũ cán bộ phục vụ v.v..

Trong giới hạn phạm vi, khuôn khổ của bài tham luận này, từ thực tiễn đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp của HĐND huyện Thiệu Hóa thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung vào ba vấn đề cơ bản sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp của HĐND huyện hàng năm, với số lượng kỳ họp phù hợp, thời gian hợp lý

Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, HĐND huyện có nhiệm vụ, quyền hạn bao quát ở tất các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND huyện phải thảo luận khối lượng công việc lớn và số nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND thường khá nhiều (từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND huyện Thiệu Hóa đã tổ chức 06 kỳ họp, xem xét thông qua 132 Nghị quyết). Nếu không coi trọng đúng mức việc xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp hàng năm thì dẫn đến bị động và chất lượng xem xét, đánh giá, quyết định của HĐND không cao.

Thường trực HĐND huyện chuẩn bị kế hoạch tổ chức các kỳ họp hàng năm trình HĐND quyết định (Ví dụ: Nghị quyết số 112/NQ- HĐND ngày 18/12/2021 về việc tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2022 của Hội đồng nhân dân huyện Thiệu Hóa khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026). Quá trình xây dựng kế hoạch, Thường trực HĐND huyện chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện (UBND huyện), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, căn cứ vào nhu cầu công việc để bảo đảm số lượng kỳ họp trong năm phù hợp, bố trí thời gian và những vấn đề cần đưa ra bàn, quyết định tại mỗi kỳ họp một cách hợp lý.

Việc bảo đảm số lượng kỳ họp trong năm phù hợp, bố trí thời gian hợp lý là nhằm giảm tải nội dung cho mỗi kỳ họp, nâng cao chất lượng của các đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết…, tạo điều kiện để Thường trực HĐND, các Ban của HĐND có thời gian hoạt động khảo sát, thẩm tra, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan; đại biểu HĐND có thời gian tiếp cận thông tin, nghiên cứu sâu hơn các nội dung HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Kế hoạch tổ chức các kỳ họp hàng năm của HĐND huyện cũng xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp; quy định cụ thể thời gian hoàn thành các văn bản trình kỳ họp; bảo đảm thời gian để UBND huyện và các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ hồ sơ, trình tự, thủ tục theo luật định và chủ động xin ý kiến của Huyện ủy đối với các nội dung theo quy định của Đảng và Quy chế làm việc của Huyện ủy.

Với cách làm trên, các kỳ họp của HĐND huyện Thiệu Hóa luôn đáp ứng kịp thời những yêu cầu về thực tiễn quản lý, điều hành của huyện và những vấn đề cấp thiết mà HĐND cần quyết nghị.

2. Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm mỗi nội dung đưa ra kỳ họp đều đã được bàn thảo kỹ lưỡng, chất lượng

Cùng với kế hoạch tổ chức các kỳ họp của HĐND huyện hàng năm, mỗi kỳ họp HĐND huyện đều cần có kế hoạch chi tiết, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình, việc chuẩn bị tài liệu, thiết bị, các điều kiện phục vụ… Trên cơ sở kế hoạch này, Thường trực HĐND đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện việc chuẩn bị một cách chu đáo nhất và kết thúc mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND căn cứ vào đó để đánh giá những điểm đã làm được, chưa làm được, rút kinh nghiệm cho các kỳ họp lần sau.

Thường trực HĐND phân công, chỉ đạo các Ban của HĐND vào cuộc ngay từ đầu năm, qua những cuộc giám sát, khảo sát, làm việc liên quan đến các nội dung sẽ trình các kỳ họp; chủ động tham gia với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND ngay từ bước đầu và trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện các tài liệu trình kỳ họp. Trên cơ sở đó, những vấn đề vướng mắc trong quá trình chuẩn bị nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp sẽ được góp ý để các cơ quan hoàn thiện, báo cáo UBND trước khi trình Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thẩm tra.

Báo cáo kết quả thẩm tra của các Ban đối với từng nội dung trình kỳ họp, cần thể hiện rõ quan điểm của Ban, cung cấp thông tin, nhất là về các nội dung còn có ý kiến khác nhau, nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung và lý do đề nghị điều chỉnh, bổ sung, làm cơ sở cho HĐND thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Một yêu cầu rất quan trọng là gửi trước tài liệu để đại biểu HĐND huyện nghiên cứu (càng sớm càng tốt, chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp). Rõ ràng, kỳ họp muốn thành công, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thì phải có sự tham gia và quan tâm của mọi đại biểu tham dự kỳ họp. Việc gửi trước tài liệu giúp đại biểu HĐND và đại biểu dự kỳ họp có thời gian nghiên cứu nội dung, khuyến khích họ chuẩn bị ý kiến phát biểu, giúp đại biểu HĐND biết họ phải chuẩn bị những gì để thực hiện vai trò của mình trong kỳ họp.

Trước khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND và UBND huyện tổ chức rà soát toàn bộ nội dung, công việc chuẩn bị. Trong quá trình rà soát, có thể có những nội dung đã dự kiến trình ra kỳ họp nhưng qua giám sát, thẩm tra thấy công tác chuẩn bị chưa bảo đảm chất lượng thì Thường trực HĐND thống nhất với UBND huyện phải chuẩn bị lại hoặc có thể hoãn chưa trình kỳ họp.

3. Đổi mới công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp, bảo đảm dân chủ, tập trung, khoa học, linh hoạt, phát huy được tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu

Điều hành của chủ tọa có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kỳ họp. Một kỳ họp HĐND mà không có hoặc có quá ít ý kiến phát biểu từ những đại biểu HĐND và các đại biểu tham dự thì ở mức độ nào đó có thể được coi là chưa bảo đảm chất lượng. Chủ tọa có kỹ năng điều hành tốt sẽ khiến cho không khí kỳ họp trở nên hào hứng và sôi nổi, khuyến khích được sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực từ các đại biểu nhưng vẫn bảo đảm tính tập trung, thống nhất.

Công tác điều hành kỳ họp đổi mới theo hướng ngắn gọn, thiết thực, giảm thời gian đọc báo cáo trên hội trường. Chủ tọa kỳ họp kiên trì lắng nghe những ý kiến của đại biểu, trong đó lưu ý đến những ý kiến còn khác nhau, định hướng những vấn đề trọng tâm để các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra những đóng góp, nhận xét một cách khái quát nhất. Khi kết thúc kỳ họp, chủ tọa tổng họp những nội dung chính đã đạt được để có được sự thống nhất chung.

Trong kỳ họp thường có nhiều nội dung, chương trình kỳ họp cần sắp xếp được các nội dung theo logic khoa học, cùng với sự điều hành dân chủ sẽ tạo điều kiện cho đại biểu HĐND chọn vấn đề thuộc lĩnh vực mình hiểu sâu, vấn đề có tác động đến kinh tế xã hội, có tính thời sự mà đông đảo cử tri quan tâm để phát biểu, đóng góp cho thành công của kỳ họp. Quá trình điều hành kỳ họp nhất thiết phải bám sát các nội dung, định hướng, tuân thủ đúng sự lãnh đạo của cấp ủy; đồng thời khuyến khích đại biểu phát biểu, thậm chí tranh luận đối với những nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chủ tọa kỳ họp phải chú ý lắng nghe, tăng cường phân tích, trao đổi, giải thích, thảo luận làm rõ vấn đề, tạo không khí thực sự dân chủ; tránh tạo ra cho đại biểu tâm lý bị áp đặt, cho rằng cấp ủy đã quyết định rồi, HĐND chỉ “hợp thức hóa” mà thôi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kịch bản điều hành chi tiết, hợp lý, phân công công tác điều hành từng nội dung phần việc cho các thành viên chủ tọa kỳ họp sẽ giúp chủ tọa điều hành kỳ họp khoa học, phân bố thời lượng phù hợp với thời gian kỳ họp, chủ động nghiên cứu sâu các nội dung sẽ điều hành; đồng thời, giúp các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, giảm thời gian trình bày mỗi nội dung, bảo đảm thực hiện đúng chương trình kỳ họp đã được thông qua.

Tóm lại: Một kỳ họp HĐND bảo đảm chất lượng là kỳ họp phát huy được tính dân chủ, quyền hạn, trí tuệ của đại biểu HĐND, quyết định đúng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, ban hành được những nghị quyết phù hợp với thực tiễn. Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐN huyện cần kiên trì mục tiêu, theo một chương trình chặt chẽ cùng với sự tham gia của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong khâu kế hoạch, chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, tạo điều kiện để đại biểu nghiên cứu, thể hiện chính kiến, phát huy trí tuệ của tập thể đại biểu HĐND trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Trên đây là tham luận của Thường trực HĐND huyện Thiệu Hóa về “Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện”. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu.

          Xin trân trọng cảm ơn!

 

[1] Luật số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016), được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 47/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020).

[2] Khi Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND yêu cầu. Ngoài ra, đối với cấp xã, Thường trực HĐND còn có trách nhiệm tổ chức kỳ họp HĐNDchuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất khi cử tri ở xã, phường, thị trấn có đơn yêu cầu và trong đơn yêu cầu có chữ ký của trên mười phần trăm tổng số cử tri của xã, phường, thị trấn theo danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND cấp xã tại cuộc bầu cử gần nhất.

Thường trực HĐND huyện Thiệu Hoá


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.207.481
    Trong năm: 984.274
    Trong tháng: 97.082
    Trong tuần: 25.628
    Trong ngày: 2.722
    Online: 62