Sau khi nghe báo cáo đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tiếp theo, Quảng Xương chúng tôi đồng tình và thống nhất cao. Tôi cũng đồng tình và thống nhất cao với các ý kiến tham luận của các đại biểu đã phát biểu trước. Để làm rõ thêm kết quả hoạt động của HĐND từ tỉnh xuống cơ sở từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, tôi xin báo cáo, chia sẻ và làm rõ thêm những việc mà HĐND huyện Quảng Xương đã làm trong việc “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND ở huyện Quảng Xương từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay”.
Như chúng ta biết, trong thời đại hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin có một vai trò rất quan trọng trong triển khai, tổ chức thực hiện một nhiệm vụ, một kế hoạch nhất định, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin là đã góp phần rất quan trọng vào sự thành công chung. Đối với hoạt động của HĐND, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND vừa đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kỳ công nghệ 4.0, vừa góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Từ nhận thức như vậy, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND huyện Quảng Xương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong hoạt động của HĐND huyện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như qua hệ thống Zalo, Trang thông tin điện tử của huyện, trang mạng nội bộ, qua các hội nghị, phiên họp, kỳ họp; ký kết quy chế, chương trình phối hợp….. Kết quả nổi bật:
Một là: Chúng tôi đã lập 7 nhóm Zalo đó là: Zalo của HĐND huyện, Zalo của Thường trực HĐND huyện, Zalo của Ban Kinh tế- xã hội, Zalo của Ban Pháp chế, Zalo của Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND huyện, Zalo các Phó Chủ tịch HĐND các xã, thị trấn, Zalo Nữ đại biểu HĐND huyện; Ngoài ra các Tổ đại biểu HĐND huyện cũng thành lập các trang zalo để thông tin, trao đổi công việc của tổ. Chúng tôi giao cho 2 đồng chí Phó ban chuyên trách HĐND huyện phụ trách biên tập các nội dung, hình ảnh, hoạt động để đăng lên các nhóm Zalo.
Các hoạt động chính trị trong ngày của huyện, của Thường trực, các ban, các tổ đại biểu, Lịch công tác, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng tuần (Ở Quảng Xương, thứ hai hàng tuần, Cơ quan Thường trực HĐND huyện đều giao ban để đánh giá hoạt động của tuần trước, triển khai nhiệm vụ của cấp ủy, của HĐND và ban hành Lịch công tác tuần mới), nội dung chỉ đạo cần nhanh; các hoạt động khảo sát, giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện; các buổi tiếp công dân của các Tổ đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử..... đều được biên tập và đăng tải lên các trang Zalo của HĐND huyện để đưa tin, tuyên tryền. Chúng tôi thấy rằng, việc sử dụng hệ thống Zalo đã phát huy được tính linh hoạt kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, trong thông tin, tuyên truyền của HĐND, Thường trực HĐND huyện. Sử dụng các trang Zalo, bắt buộc Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện phải luôn có việc làm cụ thể từng tuần, từng tháng, từng quý.
Hai là: Ngay từ kỳ họp thứ hai, Thường trực HĐND huyện đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 với UBND huyện, với Ban Thường trực MTTQ huyện; tại kỳ họp thứ năm đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thông tin và Du lịch huyện, Báo Thanh Hóa, Đài truyền hình tỉnh, các báo và MTTQ, đoàn thể huyện khác để đưa tin để đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện, giám sát việc thực hiện nghị quyết ở các địa phương, đơn vị. Thông qua các hoạt động của HĐND huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể khẳng định rằng, công tác thông tin, tuyên truyền thật sự là một khâu rất quan trọng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND từ huyện đến xã trên địa bàn Quảng Xương. Nhờ vậy cử tri thực hiện quyền, giám sát đại biểu HĐND, các Ban HĐND, UBND thực thi trách nhiệm của mình, trở thành cầu nối giữa đại biểu với người dân, là động lực để đại biểu năng động, trách nhiệm hơn.
Ba là: Xây dựng và triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện Quảng Xương".
Sau 8 tháng triển khai thực hiện Dự án, chúng tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
- Chúng tôi đã trang bị máy tính bảng cho các đại biểu HĐND huyện; phối hợp với VNPT- chi nhánh Quảng Xương lắp đặt đường truyền, cài đặt phần mềm VNPT - Ecabinet "Phòng họp không giấy" và tổ chức tập huấn cho các đại biểu HĐND huyện, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện cấp xã.
- Đã ứng dụng công nghệ thông tin trong 3/6 kỳ họp HĐND huyện; 14 phiên họp Thường trực HĐND huyện; 06 hội nghị liên tịch; 03 hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các xã, thị trấn; ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn nghiệp vụ, trong tiếp xúc cử tri. Cụ thể:
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong in ấn tài liệu phục vụ các hội nghị, kỳ họp: Trong mỗi kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND huyện khối lượng tài liệu phải in ấn, nhân bản rất nhiều. Việc phát hành tài liệu bằng giấy vừa tốn kém kinh phí, công sức của nhân viên, vừa hư hao máy móc, đặc biệt là việc phát hành đến tay Đại biểu, các đơn vị có liên quan thường chậm do thời gian in ấn, sắp xếp và gửi tài liệu phải qua rất nhiều khâu, mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, Đại biểu và các đơn vị có ít thời gian để nghiên cứu. Toàn bộ công chức, người lao động Văn phòng HĐND-UBND huyện đều được huy động phục vụ cho công tác in ấn, photo, sắp xếp, cấp phát tài liệu trong khoảng 3-5 ngày.
Từ khi Ứng dụng CNTT vào mỗi kỳ họp, phiên họp đã giúp giảm thiểu công tác này. Ngoài ra, việc sắp xếp danh mục tài liệu, hiệu chỉnh các tài liệu trên hệ thống phần mềm cũng dễ dàng hơn khi thay thế bằng hệ thống văn bản, tài liệu giấy; chúng tôi chỉ phô tô 2 bộ tài liệu cho chủ tọa kỳ họp, đã tiết kiệm hơn 400 triệu đồng mỗi năm trong in ấn tài liệu phục vụ các kỳ họp.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác tài liệu trên phòng họp không giấy: Đại biểu đến tham dự kỳ họp HĐND, phiên họp, hội nghị của Thường trực HĐND huyện chỉ cần mang máy tính xách tay, máy tính bảng (Trước đây mỗi đại biểu phải mang 1 cặp ba giây tài liệu).
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, giám sát thẩm tra. Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện trước khi giám sát, thẩm tra thì đi khảo sát thực tế và chụp hiện trạng các công trình, dự án; biên tập thành Slide ảnh tích hợp với hệ thống các mặt bằng quy hoạch, các đồ án, dự án, trình chiếu tại các kỳ họp để thuyết minh cho kết quả thẩm tra; đặc biệt đối với việc thẩm tra đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, việc thuyết minh bằng hình ảnh giúp đại biểu HĐND có cách nhìn chân thực về hiện trạng của những dự án, công trình, tính cấp thiết phải đầu tư để các đại biểu hiểu rõ, nắm chắc, thảo luận trước khi quyết nghị thông qua.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp xúc cử tri, trong tập huấn nghiệp vụ trực tuyến.
Như vậy, qua 8 tháng thực hiện dự án, có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND huyện mag lại rất nhiều hiệu quả, thực sự cần thiết và rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặ dù thời gian rất ngắn nhưng từ cách làm của mình, chúng tôi rút ra 3 kinh nghiệm như sau:
Kinh nghiệm thứ nhất: Phải chủ động tham mưu để tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm kịp thời của Ban Thường vụ Huyện đối với hoạt động của Thường trực và các Ban của HĐND huyện. Trước hết là Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo định hướng nội dung tuyên truyền; đồng thời lãnh đạo các cơ quan UBND huyện, các Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan Thường trực HĐND để thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của HĐND huyện.
Kinh nghiệm thứ hai: Cơ quan Thường trực, các Ban HĐND huyện phải chủ động làm tốt công tác phối hợp và chuẩn bị tốt nội dung, phương thức, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền. Đồng thời các Ban của HĐND huyện phải biên tập các tài liệu có nội dung cụ thể để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Kinh nghiệm thứ ba: Phải có cán bộ nhiệt tình, hiểu biết sâu sắc về chính sách pháp luật, đồng bộ để hướng dẫn và trực tiếp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, các đại biểu HĐND chuyên trách phải là nhạc trưởng, là đầu mối để các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND huyện, Thường trực HĐND các xã, thị trấn trao đổi, chia sẻ, cùng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Đại biểu HĐND huyện phải có kiến thức cơ bản và sử dụng thành thạo các thao tác trên máy tính. Đồng thời phải duy trì và hình thành nề nếp thực hiện phòng họp không giấy trong tất cả các hoạt động của HĐND huyện.
Tại hội nghị này, chúng tôi xin đề xuất 3 vấn đề sau:
Một là: Kính đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh quy định rõ hơn chức năng, phương thức thông tin, tuyên truyền của HĐND các cấp.
Hai là: Kính đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục duy trì hình thức giao ban, làm việc với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành để đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống HĐND trong tỉnh; để trao đổi, chia sẻ cách làm linh hoạt, sáng tạo, những kinh nghiệm trong công tác và gắn kết nhau hơn trong công tác nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương.
Ba là: Kính đề nghị Thường trực HĐND tỉnh sớm mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác HĐND.
Trên đây là cách làm của HĐND huyện Quảng Xương trong Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tôi xin báo cáo, chia sẻ với hội nghị.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng toàn thể các đồng chí về dự hội nghị mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc và thành công trên các cương vị công tác của mình.
Xin trân trọng cảm ơn!