Ngày 21/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 4170/BTTTT-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

Câu 1: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số, hoạt động giao dịch điện tử. Do thực tiễn hiện nay xuất hiện các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, yêu câu hạ tầng viễn thông mở rộng thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, dẫn đến việc cần phải mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông.

Trả lời: Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dụng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó Luật Viễn thông đã được Quốc hội phê duyệt đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tại Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật, bổ sung thêm thành phần trung tâm dữ liệu vào cơ sở hạ tầng viễn thông và có chính sách quân lý, thúc đẩy kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu để phù hợp với xu thế mới và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất phân chia rõ phạm vi của các Luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Công nghiệp công nghệ số để đảm bảo không chồng chéo.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu các nội dung cụ thể trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.

Câu 2: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 quy định cụ thể về việc xuất bản tài liệu không kinh doanh và việc đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

Trả lời: Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:

1. Hiện nay, đối với xuất bản tài liệu không kinh doanh, pháp luật xuất bản đã quy định cụ thể như sau:

- Điều 25, Luật Xuất bản quy định:

“1. Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản thi phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản sau đây cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh:

 a) Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

2. Tài liệu không kinh doanh phải phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tổ chức để nghị cấp giấy phép xuất bản.

3. Chính phủ quy định danh mục tài liệu không kinh doanh được cấp giấy phép xuất bản.

4. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh lập hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này và nộp phí thẩm định nội dung tài liệu để cấp giấy phép. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Ba bản thảo tài liệu; trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt. Đối với tài liệu để xuất bản điện tử, phải lưu toàn bộ nội dung vào thiết bị số;

c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với tổ chức nước ngoài.

5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp giấy phép xuất bản, đóng dấu vào ba bản thảo tài liệu và lưu lại một bản, hai bản trả lại cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

6. Cơ quan, có trách nhiệm: tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

  1. Thực hiện đúng giấy phép xuất bản được cấp;

b, Bảo đảm nội dung tài liệu xuất bản đúng với bản thảo tài liệu được cấp giấy phép.

c) Thực hiện ghi thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 27 của Luật này.

d) Nộp lưu chiều tài liệu và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

đ) Thực hiện việc sửa chữa, định chi phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy đổi với tài liệu xuất bản khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tài liệu được xuất bản".

- Điều 12, Nghị định số 195/2014/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Xuất bản quy định:

"1.Tài liệu không kinh doanh được cấp giấy phép xuất bản theo quy định tại Điều 25 Luật xuất bản bao gồm:

a) Tài liệu tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày kỷ niệm lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước;

b) Tài liệu hướng dẫn học tập và thi hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

c) Tài liệu hưởng dẫn các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường;

d) Kỷ yếu hội thảo, hội nghị, ngành nghề của các cơ quan, tổ chức Việt Nam;

đ) Tài liệu giới thiệu hoạt động của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

e) Tài liệu lịch sử đảng, chính quyền địa phương; tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi có ý kiến của tổ chức đảng, cơ quan cấp trên.

2. Thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh thực hiện theo quy định tại Khoản 1. Điều 25 Luật Xuất bản. Đối với tài liệu của các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép xuất bản sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ủy quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh đối với các tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Điều 10, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ và thủ tục.

Như vậy, hiện nay pháp luật đã quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc xuất bản tài liệu không kinh doanh.

 Tuy nhiên, qua phản ánh của một số cơ quan quản lý địa phương đã phát sinh một số bất cập. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai các bước để tiến hành Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản. Căn cứ kết quả đánh giá việc thi hành Luật Xuất bản và các đề xuất, kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát triển ngành xuất bản, in, phát hành, trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.

2. Đối với việc đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử:

- Việc đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử để thực hiện hoạt động phát hành phải thực hiện theo các quy định tại Điều 35, Luật Xuất bản về hoạt động phát hành xuất bản phẩm và Điều 36, Luật Xuất bản về điều kiện hoạt động phát hành.

- Ngoài ra, nếu đưa xuất bản phẩm dưới dạng điện tử lên trang thông tin điện tử phải đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật Xuất bản về phát hành xuất bản phẩm điện tử; đồng thời bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về trang thông tin điện tử.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, một số quy định về phát hành điện tử xuất hiện bất cập. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai các bước để tiến hành Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản. Căn cứ kết quả đánh giá việc thi hành Luật Xuất bản và các đề xuất, kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp nội dụng cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát triển ngành xuất bản, in, phát hành, trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Câu 3: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; trong đó, bổ sung quy định một số nội dung như: (i) loại hình báo chí, tạp chí nào được mở Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại các địa phương; số lượng phóng viên của các văn phòng đại diện, điều kiện về tài chính đối với việc thành lập văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, về việc giải thể cơ quan báo chí về cơ chế đặt hàng báo chí; sử dụng thẻ phóng viên, giấy giới thiệu. (i) phân cấp trách nhiệm cho cơ quan quản lý tại địa phương đối với hoạt động báo chí, như việc cấp phép và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; (ii) trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí trong việc đảm bảo điều kiện và giám sát hoạt động của các văn phòng đại diện tại các địa phương; (iv) về liên kết hoạt động báo chí trên các nền tảng số.

Trả lời: Luật Báo chí năm 2016 đã có quy định về việc thành lập cơ quan báo chí (khoản 3, Điều 18), Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú (Điều 22), liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 37). Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa quy định cụ thể loại hình báo chí, tạp chí nào được mở Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại các địa phương; số lượng phóng viên của các văn phòng đại diện; điều kiện về tài chính đối với việc thành lập văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; về việc giải thể cơ quan báo chí; về cơ chế đặt hàng báo chí; sử dụng thẻ phóng viên, giấy giới thiệu; phân cấp trách nhiệm cho cơ quan quản lý tại địa phương đối với hoạt động báo chí, như việc cấp phép và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí trong việc đảm bảo điều kiện và giám sát hoạt động của các văn phòng đại diện tại các địa phương; liên kết hoạt động báo chí trên các nền tảng số như phản ánh của cử tri.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung; trong đó đã nêu ra một số nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, đội ngũ phóng viên, giải thể cơ quan báo chí, đặt hàng báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí...

Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới đây, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.182.723
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 4.332
    Online: 45