Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV
Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình Chính phủ cần đầu tư hiện đại các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ phục vụ ngành thuỷ sản như: Cảng cá, nơi trú ẩn tránh thiên tai, tàu, thuyền có công suất lớn; có chính sách hỗ trợ về giá xăng, dầu khi nhân dân vươn khơi, bám biển khai thác thuỷ sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 21/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 6314/BNN-TCTS về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
1. Để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành thủy sản theo Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên quy mô cả nước thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển theo hướng tích hợp, gia tăng giá trị khai thác sử dụng.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã quan tâm bố trí kinh phí và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Trung ương tiếp tục đầu tư, nâng cấp hiện đại các hạng mục công trình cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng với tổng kinh phí khoảng 3.600 tỷ đồng. Đồng thời để tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Phát triển thủy sản bền vững - Hợp phần do Bộ quản lý sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới với tổng kinh phí khoảng 5.280 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình cảng cá loại II và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cả cấp tỉnh theo quy định.
2. Trước diễn biến giá xăng, dầu tăng cao liên tục trong 6 tháng đầu năm 2022. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 4103/BNN-TCTS ngày 28/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao. Trong đó, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên làm việc trên tàu cá do tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất 06 tháng.
Ngày 09/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ chi phí xăng dầu để ngư dân vươn khơi bám biển. Ngày 23/7/2022, tại Văn bản số 4620/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên làm việc trên tàu cá do tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã có các giải pháp cụ thể, giúp bình ổn, giảm giá xăng dầu (chỉ tính riêng trong tháng 7/2022 và đầu tháng 8/2022, giá xăng dầu đã liên tục giảm 04 lần, trong đó giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã giảm gần 20%). Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho ngư dân yên tâm sản xuất, đưa tàu đi khai thác thủy sản trên các vùng biển. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, với giá dầu như hiện nay, giá bán hải sản tăng không đáng kể, doanh thu chuyển biến chưa cao nhưng khoảng 80- 95% tàu cá (tùy theo ngành nghề khai thác) tại các địa phương đã đi vào hoạt động khai thác bình thường.