Ngày 05/10/2022, Bộ Y tế đã có Văn bản số 5562/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Cử tri đề nghị tăng mức hưởng chế độ Bảo hiểm y tế từ mức hưởng 80% lên mức hưởng 100% cho các đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, Ban ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có đề xuất nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100% của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP bao gồm: Thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định: số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007, số 53/2010/QĐ TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020, số 209/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005; Dân công hỏa tuyến (theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ) để ghi nhận, động viên những đóng góp của họ đối với đất nước.

Đến nay, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị định, đã xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và đang trong quá trình hoàn thiện Hổ sơ, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2022.

2. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, củng cố, xây dựng ngành y tế và mạng lưới y tế cơ sở vững mạnh, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân; đề xuất đưa vào các danh mục thuốc bảo hiểm y tế có giá trị nhiều hơn, nhằm mục đích quan tâm đến người dân khi điều trị bệnh giảm bớt khó khăn.

2.1. Quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, củng cố, xây dựng ngành y tế và mạng lưới y tế.

 - Việc đầu tư, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 05/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bố kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương. Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

- Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện việc phân bổ nguồn lực của Chương trình.

- Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

- Giải pháp về y tế cơ sở được đặt ra trong thời gian tới:

(1) Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng: Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; trong đó đề xuất đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay WB, ADB.

(2) Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của y tế cơ sở theo hướng không theo địa bàn hành chính mà theo cụm dân cư để gần dân, người dân dễ tiếp cận hơn.

(3) Tăng cường chính sách dài ngộ: Xây dựng và cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp để dãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế y tế cơ sở.

(4) Nâng cao chất lượng chuyên môn: Tăng cường nhân lực cho bệnh viện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, đặc biệt là vùng đô thị có mật độ dân số lớn; đổi mới chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyển trên cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng các kỹ năng sơ cấp cứu, điều trị hô hấp, các bệnh thông thường, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, không để bị động, lúng túng trong tình huống dịch bệnh bùng phát.

(5) Đổi mới cơ chế tài chính; tăng định mức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở; hoàn thiện và triển khai đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở được bảo hiểm y tế thanh toán; gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả; thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho y tế cơ sở, đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.

(6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Xây dựng hệ thống thông tin y tế đảm bảo tính kết nối, liên thông, tích hợp để quản lý y tế cơ sở, khám chữa bệnh từ xa, quản lý sức khỏe người dân.

2.2. Đề xuất đưa vào các danh mục thuốc bảo hiểm y tế có giá trị nhiều hơn, nhằm mục đích quan tâm đến người dân khi điều trị bệnh giảm bớt khó khăn

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục  thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.

Hiện nay, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư số 30/2019/TT-BYT ngày 30/10/2019 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Về cơ bản, Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.

- Về Danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2019/TT-BYT bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc.

 - Về Danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về Danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện có 229 chế phẩm (tăng 102 chế phẩm) và 349 vị thuốc (tăng 49 vị thuốc) so với Thông tư số 12 /2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày cảng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thể bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng đến nhóm trẻ em, người cao tuổi và người nghèo được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.180.949
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 2.559
    Online: 136