Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tại hội trường

Kính thưa Quốc hội,

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau gần 12 năm thực hiện đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, tạo nền tảng cơ bản để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, do đó, việc sửa đổi toàn diện luật này là hết sức cần thiết. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi luật. Dự thảo luật đã thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa, làm rõ nét theo nội dung tại Nghị quyết số 11 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chỉ thị số 30/2019, Chỉ thị số 03/2021 của Ban Bí thư về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, về nâng cao đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng hiện được nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, như Bộ luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, các đạo luật đã quy định và đặt ra yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kinh doanh về vấn đề bảo đảm chất lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng, quy định xử lý đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn. Do đó, xây dựng dự án luật cần đặt trong tổng thể mối quan hệ chặt chẽ với các đạo luật có liên quan.

Thứ hai, về trách nhiệm của tổ chức, các cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Qua tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, bất cập trong các quy định của luật hiện hành, dự thảo luật đã đưa ra các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối chiếu với điều kiện thực tiễn hiện nay cho thấy các quy định trong dự thảo còn chung chung, đặc biệt chưa tính đến trường hợp nhà sản xuất cung cấp cố tình tạo ra chậm trễ trong việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào? Về nội dung này, đại biểu Hà Ánh Phượng - Phú Thọ và một số đại biểu phát biểu trước tôi cũng đã đề cập. Do đó, tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật thì cần bổ sung vào Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề phức tạp, cần phải được luật quy định cụ thể mới có thể triển khai hiệu quả trên thực tế. Do đó, đề nghị cần bổ sung giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết điều này, đồng thời xem xét bổ sung quy định về thời gian cụ thể đối với việc công bố công khai thông tin sản phẩm, hàng hóa khuyết tật bị thu hồi tính từ thời điểm phát hiện hàng hóa khuyết tật và thực hiện thu hồi sản phẩm cũng như bổ sung quy định đăng tải trên website chính thức của doanh nghiệp vào website chính thức của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ ba, về giải quyết tranh chấp tại tòa án. Khoản 2 Điều 70 quy định: "Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn; quy định trong pháp luật tố tụng về dân sự khi có đủ điều kiện đã được liệt kê tại các điểm, từ điểm a đến điểm c khoản 2 Điều 70". Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng ở điểm c là mới tính đến yếu tố kinh tế, chưa tính đến tính chất vụ việc, có những vụ gây ngộ độc thực phẩm, hậu quả gây ra chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ điều kiện thì cần áp dụng thủ tục rút gọn để vụ việc được giải quyết kịp thời.

Thứ tư, về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Chương VI. Đối với trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tại Điều 76, đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của một số bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Thực tế, những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của các bộ nêu trên cũng là những lĩnh vực mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường. Bên cạnh đó, đề nghị cần xem xét tách nội dung về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một điều riêng. Quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Tòa án nhân dân vào điều này do Tòa án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả trong trách nhiệm xem xét giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.180.128
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 1.739
    Online: 48