Ngày 02/11/2021, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Lê Quang Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương, giai đoạn 2017 – 2021 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trong những năm qua, công tác lao động, người có công và xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh, tạo điều kiện để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số lĩnh vực xã hội thuộc ngành quản lý, như: Chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới v.v… tiếp tục được quan tâm và từng bước được xã hội hoá, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống nâng cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách cơ bản đáp ứng nhu cầu chi của sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, trong những năm tiếp theo định mức không điều chỉnh nên một số đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là trong những năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của yếu tố trượt giá, nhu cầu chi phát sinh tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu và ban hành các chế độ, chính sách mới. Do đó, hằng năm đều phát sinh thêm các khoản bổ sung ngoài định mức phân bổ cho các hoạt động sự nghiệp và bổ sung thêm các nhiệm vụ đặc thù phát sinh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả tham mưu và đề xuất các giải pháp để thực hiện đúng theo định mức chi ngân sách thường xuyên đã được quy định tại Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh. Nguồn kinh phí được phân bổ hằng năm cơ bản đã đáp ứng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành về nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi và phát triển nông thôn; phòng, chống lụt bão; an toàn nông sản, lâm sản, thủy sản và muối trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường; về các dịch vụ công thuộc Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do thời kỳ ổn định ngân sách dài, nên đối với một số định mức, các khoản chi ngoài quỹ lương, mới chỉ đáp ứng được một phần kinh phí so với nhu cầu chi; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc xuống cấp, hư hỏng nhiều. Hằng năm, để đảm bảo cho việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị làm việc thì các đơn vị phải cắt giảm nhiều hoạt động để thực hiện.Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát biểu kết luận tại các đơn vị được giám sát, đồng chí Lê Quang Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế  - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá định mức chi thường xuyên theo Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ và gắn với đặc thù của từng ngành đã đạt được những kết quả quan trọng; chất lượng công việc được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, phương pháp tính toán định mức theo quy mô biên chế của từng đơn vị phù hợp, khoa học, là cơ sở để xây dựng dự toán chi cho các ngành, tạo nguồn lực cho ngành chủ động thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Định mức chi thường xuyên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi của một số nội dung chi, một số định mức chưa bao quát hết các nội dung chi, một số lĩnh vực chưa có định mức. Việc lập dự toán trong năm đối với một số nhiệm vụ chi còn chưa sát với thực tế.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị Sở xem xét, nghiên cứu những tồn tại, hạn chế của Sở đã nêu ra trong báo cáo, để đưa ra những kiến nghị đúng với chuyên đề giám sát của Ban; đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì xem xét trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, các ý kiến thảo luận, góp ý của thành viên trong đoàn giám sát để hoàn chỉnh báo cáo gửi về Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ tổng hợp báo cáo trình HĐND tỉnh.

                                                                                     

 

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.269.765
    Trong năm: 977.576
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 1.665
    Online: 66