Về dự Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026. Trước tiên, thay mặt Thường trực HĐND huyện Ngọc Lặc, xin gửi tới chủ tọa hội nghị, các quý vị đại biểu, các đồng chí đại diện Thường trực, các ban HĐND các huyện, thị xã, thành phố tham dự hội nghị lời chào, lời kính chúc sức khỏe. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Được sự cho phép của chủ trì hội nghị, thay mặt Thường trực HĐND huyện Ngọc Lặc, tôi xin trình bày tham luận về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND đối với các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND huyện”.
Thẩm tra các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của các Ban HĐND theo luật định, nhằm xem xét sự phù hợp của các nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách của nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và sự phù hợp, tính khả thi với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là kênh thông tin quan trọng để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết định thông qua nghị quyết của HĐND. Chính vì vậy, thẩm tra có chất lượng tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành nghị quyết của HĐND.
Do xác định được tầm quan trọng của công tác thẩm tra nên Thường trực HĐND huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo, phân công các Ban HĐND huyện thực hiện trước mỗi kỳ họp HĐND huyện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND huyện đã tổ chức 02 kỳ họp thường lệ, 01 kỳ họp chuyên đề, xem xét 07 báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND huyện; trong đó, có 03 báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội, 03 báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và 01 báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc. Kết quả thẩm tra của các Ban là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND huyện ban hành 38 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, tổ chức... có chất lượng, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND huyện trong thời gian qua khá tích cực, báo cáo thẩm tra được chuẩn bị công phu, chất lượng từng bước được nâng lên, thể hiện: Nêu và trình bày những vấn đề cốt lõi, có tính nổi bật và tầm ảnh hưởng lớn hoặc là những vấn đề mới phát sinh báo cáo; phân tích sâu, lý giải và mổ sẻ thực trạng, nguyên nhân của tình hình một cách sát thực phù hợp với thực tế, có độ tin cậy và thuyết phục; thể hiện ở chính kiến đồng tình, chưa đồng tình đề nghị bổ sung lý do; đề xuất, kiến nghị các giải pháp chủ yếu có tính đột phá, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế, những vấn đề đề nghị làm rõ được UBND huyện giải trình bằng văn bản hoặc trực tiếp, có vấn đề đề xuất đã được UBND huyện chấp nhận. Các ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra được chọn lọc là căn cứ tin cậy, mang tính gợi mở, phản biện hoặc là phương án mới để các đại biểu HĐND có thêm kênh thông tin thảo luận và quyết định, góp phần quan trọng vào sự thành công của kỳ họp.
Tuy vậy, trong hoạt động thẩm tra các nội dung UBND huyện trình còn trường hợp các ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra có lúc xuôi chiều, chưa đủ yếu tố để kết luận khẳng định vấn đề, đa số đều thống nhất với nội dung tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết dẫn đến chất lượng thẩm tra có phần chưa sâu. Bên cạnh đó, thành viên Ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và không phải thành viên nào cũng am hiểu sâu ở tất cả các lĩnh vực nên chất lượng thẩm tra đôi lúc chưa cao.
Do vậy ở mỗi lĩnh vực việc thẩm tra phải thực hiện đúng quy trình, đòi hỏi có sự nghiên cứu trước của các thành viên Ban, nhất là đối với những nội dung, lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu. Các cuộc giám sát, khảo sát phải được thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, thể hiện rõ nét và đầy đủ trong báo cáo thẩm tra trình HĐND tại kỳ họp để các đại biểu HĐND có đủ cơ sở tham gia thảo luận đi đến quyết định.
Những tồn tại trên chủ yếu do: Việc gửi văn bản phục vụ thẩm tra có lúc chưa kịp thời; hồ sơ gửi kèm không đầy đủ, thiếu thông tin liên quan đến báo cáo, dự thảo nghị quyết. Hệ thống văn bản pháp lý quy định chưa đồng bộ (mâu thuẫn giữa luật chuyên ngành với luật về thẩm quyền) nên trong thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc. Công tác chuẩn bị dự thảo đề án, nghị quyết của UBND huyện, cơ quan chuyên môn có nội dung chưa sâu, chưa thực hiện đầy đủ quy trình trong xây dựng dự thảo nghị quyết, nhất là khâu đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động.
Từ thực tế hoạt động thẩm tra trong thời gian qua; để tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra trong thời gian tới, các Ban HĐND huyện cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Xác định rõ báo cáo thẩm tra của các Ban tại các kỳ họp HĐND có tính quyết định đến chất lượng kỳ họp, phải được đại biểu HĐND quan tâm đặc biệt, do đó báo cáo thẩm tra phải ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thuyết phục. Các Ban của HĐND huyện thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục, nội dung các bước thẩm tra các nội dung trình kỳ họp của HĐND huyện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nâng cao trách nhiệm của các Ban trong từng giai đoạn của quá trình thẩm tra và thời gian gửi tài liệu thẩm tra nhằm đảm bảo thống nhất phương thức và nâng cao chất lượng thẩm tra của Ban. Cụ thể:
1. Phải xác định đúng tầm quan trọng của các báo cáo thẩm tra và những tiêu chí cần có của một báo cáo thẩm tra trình kỳ họp. Báo cáo thẩm tra phải giúp đại biểu HĐND có những thông tin cần thiết để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị một cách đầy đủ, khách quan, đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý nguyện của cử tri. Tiêu chí của báo cáo thẩm tra là nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra, không xuôi chiều theo nội dung báo cáo.
2. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thẩm tra bao gồm các công việc: chuẩn bị tài liệu (báo cáo và các tài liệu tham khảo); phân công nhiệm vụ các thành viên ban nghiên cứu; tổ chức lấy ý kiến những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những vấn đề liên quan đến thẩm tra.
3. Xây dựng bố cục báo cáo phù hợp, đầy đủ các nội dung; phần đánh giá cần phải chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, hạn chế, yếu kém và kiến nghị giải quyết. Kết quả đạt được không chép lại theo báo cáo mà phải có đánh giá (thông qua các số liệu), lập luận và nêu mức độ đồng thuận với kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ được ý kiến của Ban về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế; sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi, dư luận xã hội... những vấn đề mà Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau; kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để nghị quyết khi ban hành đạt chất lượng cao. Đối với các đề án, dự thảo Nghị quyết mà nội dung chuẩn bị chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương thì các Ban phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND không thông qua để đảm bảo chất lượng và tính khả thi.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm tra của các Ban HĐND, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra cho thành viên các Ban HĐND, tạo điều kiện cho các Ban tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao hoạt động thẩm tra của các Ban theo quy định, để hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND ngày càng đảm bảo về chất lượng nhằm giúp đại biểu HĐND xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trên đây là báo cáo tham luận của Thường trực HĐND huyện Ngọc Lặc về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND đối với các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND huyện”.
Xin trân trọng cảm ơn!